Tất cả 63 cổng dịch vụ công đều có điểm chưa thuận tiện cho người dùng
Tất cả 63 cổng dịch vụ công đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng, cho dù họ là công chức hay người dân, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, người khuyết tật.
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Đánh giá 63 cổng dịch vụ công cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng 21-8, tại Hà Nội.
Cụ thể, kết quả đánh giá 63 cổng dịch vụ công năm 2024 cho thấy các địa phương đã có một số cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến so với kết quả rà soát năm 2023. Nhiều cổng dịch vụ công đạt mức "tốt" ở hai tiêu chí “Cung cấp thông tin hỗ trợ” và “Mức độ dễ sử dụng của các công cụ tra cứu”.
Quang cảnh tọa đàm “Đánh giá 63 cổng dịch vụ công cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024”. |
Tuy nhiên, tất cả 63 cổng dịch vụ công đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng, cho dù họ là công chức hay người dân, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, người khuyết tật. Tất cả các tỉnh, thành phố cần đầu tư cải thiện các cổng dịch vụ công về nhiều mặt để tăng mức độ thuận tiện, thân thiện, tính tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của mọi người dùng.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ, các cổng dịch vụ công trực tuyến giữ vai trò then chốt, kết nối nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều cải tiến từ năm 2021, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến vẫn chưa đạt yêu cầu và chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Nhiều người dùng cổng dịch vụ công vẫn chưa thể tự làm thủ tục mà phải dựa vào sự hướng dẫn trực tiếp hoặc làm thay của đội ngũ công chức.
Theo quan điểm của bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, một phần nguyên nhân của những tồn tại của các cổng dịch vụ công là sự thiếu đồng bộ giữa các cổng dịch vụ công cấp tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia khiến người dùng gặp khó khăn khi phải làm quen với nhiều giao diện khác nhau trong cùng một lần sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa được công khai đầy đủ, chưa được trình bày một cách dễ thấy, dễ hiểu, chưa theo dõi được trên cổng dịch vụ công, khiến người dùng khó nắm bắt được các bước cần thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiến độ giải quyết hồ sơ.
Để nâng cao hiệu quả của các cổng dịch vụ công, từ đó cải thiện việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến, báo cáo nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị đi từ những cải tiến cụ thể đến việc thay đổi tư duy trên môi trường số, lấy người dùng làm trung tâm. Trước hết, các tỉnh, thành phố cần thực hiện rà soát và khắc phục các lỗi kỹ thuật trên cổng dịch vụ công, bảo đảm tính hiệu quả, thực chất và công khai thông tin để nâng cao tính thuận tiện, dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người lớn tuổi và người khuyết tật.
CHIẾN THẮNG