Tạo bứt phá cho vùng đất chín rồng phát triển
Năm 2023 là năm sôi động trên các công trường hạ tầng giao thông (HTGT) tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi hàng loạt dự án đường cao tốc được đưa vào khai thác. Bước sang năm 2024, với quyết tâm không để “đầu năm đi bộ, cuối năm chạy”, nhiều công trình, dự án lớn vào giai đoạn “nước rút” quyết tâm bứt phá để kịp về đích, tạo thế và lực cho vùng đất chín rồng "cất cánh".
Đại lộ đại phú
Bên ly trà sớm mai, nhìn cảnh công nhân đang thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (đoạn cầu nước đục thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), ông Huỳnh Thanh Nghiêm bừng lên niềm vui trong ánh mắt. Ông khoe với bạn bè, trước Tết đã kịp tham quan cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ở ĐBSCL, vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để di chuyển từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ là điều trước đây nhiều người không dám nghĩ đến. Và câu hát “Cà Mau xa lắm” sẽ là hoài niệm khi hàng loạt tuyến cao tốc kết nối liên vùng giúp Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và vùng ven biển phía Tây với U Minh Thượng của bán đảo Cà Mau gần nhau hơn, kết nối với tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và các tuyến N1, N2.
Công nhân thi công hệ thống cầu dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau). |
Đường thông thoáng, thuận lợi không những giúp người dân đi lại dễ dàng mà còn mở ra nhiều làn sóng đầu tư, cơ hội phát triển mới cho các tỉnh, thành phố trong vùng và doanh nghiệp. Tại Hậu Giang, theo thống kê năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12,27%, xếp thứ nhất vùng ĐBSCL (đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh xếp thứ nhất vùng ĐBSCL) và thứ hai cả nước, tăng hai bậc so với năm 2022. Còn tỉnh Cà Mau cũng đứng thứ ba trong vùng và thứ 16 cả nước.
Ông Ngô Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sau khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào khai thác, kết nối toàn tuyến, rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt, nhiều đường kết nối ĐBSCL đang được quan tâm đầu tư, trong đó phải kể đến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; mở rộng quốc lộ Nam sông Hậu và cảng biển Trần Đề - Sóc Trăng... đã tạo điều kiện cho tỉnh đón nhiều làn sóng đầu tư. “Những ngày đầu năm mới 2024, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhiều tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương tìm cơ hội hợp tác. Thống kê những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh trên 110 doanh nghiệp”, ông Toàn thông tin.
Tăng tốc để bứt phá
Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí để phát triển HTGT. Theo kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho HTGT vùng ĐBSCL hiện nay tăng lên 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Tính đến cuối năm 2023, khu vực ĐBSCL đã đưa vào khai thác tổng chiều dài gần 200km đường cao tốc.
Ngoài ra, trong vùng ĐBSCL hiện có các tuyến cao tốc đang được thi công như: Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (hơn 110km); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (hơn 188km); Cao Lãnh - An Hữu (gần 27,5km). Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2026, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 540km đường cao tốc được đưa vào khai thác.
Bên cạnh hệ thống đường cao tốc, các cầu vượt sông quy mô lớn cũng đã và đang hình thành. Khi Trung ương đã quan tâm đầu tư, từ lãnh đạo địa phương có đường cao tốc đi qua, nhà thầu đến đơn vị thi công, đội ngũ công nhân đều hăng say làm việc với quyết tâm chung tay đưa ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng về HTGT.
Có mặt tại dự án thành phần 3 (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), cái nắng của miền Tây như thiêu đốt da thịt nhưng tất cả công nhân vẫn hăng say làm việc. Ông Trần Quang Hoạt, Phó giám đốc điều hành gói thầu số 1 (dự án thành phần 3) cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho biết: “Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, được khởi công từ giữa năm 2023 nhưng do thiếu nguồn cát nên việc triển khai đang gặp khó.
Các nhà thầu tập trung lập thiết kế bản vẽ thi công; tranh thủ đào nền đường công vụ, triển khai thi công một số cầu không vướng giải phóng mặt bằng và có đường vận chuyển. Đơn vị đang tập trung nguồn lực, tranh thủ điều kiện mùa khô thuận lợi để thi công, hoàn thành hạng mục 12 cầu lớn, nhỏ và đường công vụ để bù đắp tiến độ, khi nào được cung cấp vật liệu cát sẽ thi công ngay phần đường”.
Thiếu tá Vũ Hồng Quân, Phó giám đốc Ban Trường Sơn Nam (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), đơn vị phụ trách thi công dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết, ngay khi bắt tay vào thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn. Giai đoạn đầu, dự án đi qua giữa cánh đồng, nhiều vị trí kênh rạch nhỏ chằng chịt, nền đất yếu nên gặp khó trong vận chuyển thiết bị. Quá trình thi công, khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị là nguồn cát khan hiếm.
“Khó khăn là vậy nhưng với ý chí, quyết tâm và tinh thần đoàn kết của cán bộ, công nhân, chúng tôi đã từng bước khắc phục như: Với nền yếu thì thi công đường tạm để vận chuyển máy móc; xử lý nền đất yếu bằng xi măng đất; trong thời gian chờ nguồn cung vật liệu, anh em xử lý bấc thấm (vật liệu địa kỹ thuật dùng để thoát nước nhằm gia tăng khả năng ổn định nền)... Những hạng mục nào có thể làm trước sẽ được đẩy lên để tạo việc làm và bảo đảm máy móc hoạt động đều”, Thiếu tá Vũ Hồng Quân nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THÚY AN