Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách tại bến thủy nội địa

 Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị kiểm tra đột xuất, đôn đốc các bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố.

Không lơ là, buông lỏng công tác kiểm tra

Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông vận tải đường thủy nội địa Hà Nội Bùi Ngọc Tân cho biết: Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 25 bến thủy được cấp phép hoạt động vận chuyển hành khách, trong đó có 1 bến thuyền du lịch tại Chương Dương (quận Hai Bà Trưng).

Tuy nhiên, bến thuyền du lịch và 4 bến thủy khác đã tạm ngừng hoạt động, chỉ còn 19 bến đang vận chuyển khách, chủ yếu trên sông Hồng và khu vực chùa Hương (huyện Mỹ Đức).

“Sau vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng tại Hội An, Giám đốc và Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị kiểm tra đột xuất, đôn đốc các bến thủy nội địa tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách”, ông Bùi Ngọc Tân cho biết.

Qua kiểm tra, các bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn cơ bản chấp hành tốt các điều kiện an toàn. Chỉ có 4 trường hợp bị xử phạt với các lỗi như: Không hướng dẫn hành khách sử dụng dụng cụ cứu sinh, thiếu bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé theo quy định.

Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách tại bến thủy nội địa

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các bến thủy nội địa trên địa bàn TP Hà Nội

Ghi nhận thực tế tại một số bến thủy nội địa được cấp phép vận chuyển khách hoạt động tại khu vực hai huyện Phú Xuyên, Thường Tín cho thấy, các phương tiện đò, phà đều được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh như áo phao, phao cá nhân… Chủ bến, chủ đò, phà, lái đò, phà đều nắm vững quy định về an toàn giao thông đường thủy.

Tuy nhiên do hành khách qua đò, phà chủ yếu là người quen, đi thường xuyên nên công tác phổ biến các quy định an toàn, hướng dẫn sử dụng áo phao… trên mỗi chuyến nhiều thời điểm bị xao nhãng.

Ông Bùi Ngọc Tân cho hay: “Đơn vị vẫn kiểm tra thường xuyên, liên tục đối với các bến và phương tiện, người lái. Khi có chỉ đạo tăng cường, đột xuất lại ra quân 100%, kiểm tra liên tục các bến, nhắc nhở, tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm khắc”.

Với mỗi hành khách không mặc áo phao, chủ bến có thể bị phạt tới 2,5 triệu đồng. Mức phạt khá nặng nên việc trang bị, nhắc nhở hành khách mặc áo phao khi lên đò rất được chú ý, thực hiện nghiêm chỉnh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động của bến thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Ông Bùi Ngọc Tân chia sẻ, có nhiều trường hợp đò đối lưu từ các bến của Hưng Yên chưa thực hiện nghiêm quy định về an toàn giao thông, vẫn sang trả khách tại bến của Hà Nội.

“Với những trường hợp này, khi phát hiện, đội đã xử phạt nghiêm. Tuy vậy, nhiều trường hợp chủ bến vẫn “tặc lưỡi” cho qua khi vắng lực lượng chức năng. Muốn giải quyết triệt để hiện tượng này, cần phải làm nghiêm từ cả hai đầu bến, kiên trì tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho cả hành khách lẫn người lao động tại các bến thủy nội địa”, ông Bùi Ngọc Tân nói.

Đối với bến đò tại khu di tích, thắng cảnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông vận tải đường thủy nội địa Hà Nội Bùi Ngọc Tân cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ đò, lái đò cũng như hành khách đảm bảo các điều kiện an toàn. Ngoài ra, đội sẽ kiểm tra đột xuất, âm thầm giám sát, không lơ là, buông lỏng công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt trong mùa lễ hội Xuân.

Rà soát toàn bộ hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 26/2 tại vùng biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, mới đây, Cục Cảnh sát Giao thông đã có điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm…

Cụ thể, các địa phương tập trung vào điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; Điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; Điều kiện kinh doanh vận tải; Phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách tại bến thủy nội địa

Cần rà soát toàn bộ hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa để đảm bảo an toàn giao thông

Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.

Thông qua công tác rà soát cần làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn; Phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục.

Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát đường thủy cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Trong đó, Cảnh sát đường thủy tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách; Kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.

Đồng thời, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; Kiến thức về cách xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.

Đặc biệt, Cục Cảnh sát Giao thông cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng.

Lượt xem: 207
Tác giả: Thanh Hà
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...