Tác động của truyền thông đến định hướng thẩm mỹ của công chúng

Không chỉ có vai trò cung cấp thông tin, truyền tải thông điệp, truyền thông còn có sức mạnh tác động đến định hướng thẩm mỹ của mỗi cá nhân và xã hội.

Hình ảnh trong phim ảnh, ca nhạc, quảng cáo... được coi là chuẩn mực của cái đẹp. Vì vậy, hình ảnh trong truyền thông có khả năng thay đổi quan điểm về vẻ đẹp ngoại hình, về giá trị sống và hành vi ứng xử của công chúng, đặc biệt là với đối tượng trẻ vị thành niên vì họ thường so sánh bản thân với hình ảnh thấy trên truyền thông, từ đó dẫn tới hành vi bắt chước và tâm lý tự ti nếu không giống với hình ảnh số đông trên truyền thông.

Điều này dẫn đến hiện tượng sử dụng truyền thông để truyền đi hình ảnh nhằm lôi kéo sự chú ý của công chúng, có khi gây nên sự lệch chuẩn trong quan điểm về thẩm mỹ.

Tự tạo ra tai tiếng để được... nổi tiếng

Không phải tất cả những gì trên truyền thông đều có giá trị định hướng thẩm mỹ. Diễn viên, người mẫu người Mỹ Paris Hilton là một ví dụ đã được đưa vào sách giáo khoa dạy truyền thông cho thấy sự thành công trong sử dụng tai tiếng để kinh doanh.

Sinh ra trong một gia đình giàu có sở hữu thương hiệu khách sạn Hilton và nhiều nhãn hàng xa xỉ khác, Paris Hilton đã không lựa chọn con đường ẩn danh, tránh né sự săn lùng của truyền thông như nhiều con cháu nhà tài phiệt. Cô chủ động gây ra tai tiếng để ngày nào cũng xuất hiện trên báo chí. Paris Hilton say xỉn, dùng ma túy, đâm xe, rò rỉ hình ảnh đồi trụy...

Truyền thông góp phần đưa hàng vạn khán giả có mặt ở Hà Nội đón xem show diễn của nhóm nhạc Blackpink (Hàn Quốc), tháng 7-2023. Ảnh: GIANG HUY

Cái tên của cô được báo chí "điểm danh" thường xuyên, kèm theo đó là chuỗi cửa hàng, thương hiệu nước hoa, mỹ phẩm, thời trang của Paris Hilton luôn được người tiêu dùng nhớ đến. Truyền thông chạy theo đưa tin về tai tiếng của Paris Hilton dẫn đến việc cô ta khẳng định bản thân trên LinkedIn (mạng xã hội giúp mọi người kết nối trong công việc, chia sẻ kinh nghiệm, sơ yếu lý lịch) là “người thống trị văn hóa đại chúng, người nổi tiếng được biết đến nhiều nhất trên thế giới”.

Dùng tai tiếng để nổi tiếng là đặc trưng của truyền thông quảng danh (publicity), trong đó người làm truyền thông tạo ra câu chuyện gây chú ý, bất chấp chuyện đó đúng hay sai, tốt hay xấu, nên làm theo hay không. Đây là cách làm quan hệ công chúng dễ nhất, nhanh được xã hội biết đến, nhưng không mang lại lợi ích gì cho xã hội và đôi khi là con dao hai lưỡi gây họa cho người sử dụng phương pháp này. Cách làm này, do đặc trưng là dùng chuyện có thể không có thật, thường được dùng trong ngành giải trí, nơi ranh giới giữa “kịch bản” và “sự thật” thường không rõ ràng.

Phim điện ảnh, phim truyền hình, để lôi kéo người xem, dựng ra những chuyện “phim giả tình thật” xung quanh đời tư nghệ sĩ, thậm chí cho nghệ sĩ cưới nhau để thu hút người xem phim, và rồi theo kịch bản, nghệ sĩ chia tay ngay sau khi phim thu về đủ doanh số.

Sách mới ra mắt, chương trình ca nhạc sắp biểu diễn, phim sắp công chiếu đều có thể dùng chiêu trò dựng chuyện bị “thu hồi, tước giấy phép, bị cấm, bị sập mạng” để tạo ra nhiều luồng dư luận, công chúng thảo luận và đưa quan điểm trong các diễn ngôn hằng ngày và phương tiện truyền thông xã hội, truyền thông đại chúng. Đối với nghệ sĩ, việc chẳng ai bàn tán về họ là một "thảm họa kinh doanh" cho những dự án nghệ thuật họ tham gia.

Thậm chí, khi không có gì đáng để nói, họ có thể xuất hiện trên báo với những dòng tít như “người bí ẩn”, “người kín tiếng”, “người giấu mặt”. Họ mua quảng cáo trên báo và mạng xã hội để được nổi tiếng vì sự “kín tiếng”. Đó là những chiêu trò bất đắc dĩ phải sử dụng để nhiều nghệ sĩ gồng mình tồn tại trong nền kinh tế sống nhờ sự chú ý của đám đông (attention economy).

Lệch chuẩn về giá trị chân-thiện-mỹ

Ở đây, chúng ta có thể nhớ đến lời bài hát “Thật bất ngờ” do ca sĩ Trúc Nhân thể hiện: “Chỉ một xì-căng-đan, khóc lóc về chuyện tình dở dang, lên báo hình thì đầy một trang...”. Nếu báo chí chỉ là cái loa cho tất cả tai tiếng tự tạo ra để nổi tiếng thì điều người dân quan tâm nhất, như lời bài hát, là “Anh kia cặp với chị này; anh kia lừa dối chị này...

Cư dân cùng với đồng bào; thông tin miệng đói cồn cào”. Những mối quan tâm thiết thực đến cuộc sống thường ngày như quốc kế dân sinh, giáo dục-đào tạo, phát triển thể chất và tinh thần sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu, do những gì xuất hiện đầu tiên trong tâm trí người dân (top of mind) chỉ là tai tiếng và hình ảnh xấu.

Bài hát “Thật bất ngờ” cũng nhắc đến một lý thuyết truyền thông, đó là thuyết trồng trọt, gieo mầm ý thức (cultivation theory): “Và màn hình ti vi đêm ngày trồng trọt vào trong trí óc về một thế giới như mơ, như thơ, như ly kem bơ, ôi thật bất ngờ”.

Thuyết trồng trọt do nhà báo, nhà giáo người Mỹ George Gerbner đưa ra trong giai đoạn phát triển nở rộ của truyền hình. Theo lý thuyết này, con người tiêu thụ nhiều sản phẩm truyền thông sẽ thay đổi nhân sinh quan, sẽ cho rằng truyền thông là chuẩn mực của cách hành xử, và họ sẽ tin theo, làm theo những gì họ thấy trên truyền thông.

Ví dụ, chỉ trong thời gian ngắn, những kiểu trang phục mới hoặc hàng hóa do người nổi tiếng sử dụng và được quảng bá trên truyền thông có thể ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng của hàng triệu người, tạo ra sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của cả xã hội. Những câu nói trong phim truyền hình có thể ngay lập tức tạo xu hướng, trở thành câu nói cửa miệng của cả cộng đồng.

Đôi khi, truyền thông đi trước để được công chúng đón nhận, tạo thiện cảm và sự đồng thuận để phát triển kinh doanh. Bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc “Nàng Dae Jang Geum” làm khán giả Việt Nam mê đắm nghệ thuật ẩm thực và cảnh sắc của phim, yêu mến dõi theo hành trình số phận của nhân vật nữ chính trong phim.

Phim kết thúc cũng là lúc nhân vật nữ chính “hiện nguyên hình” là người mẫu quảng cáo của một tập đoàn xây dựng Hàn Quốc vừa trúng thầu xây đường cao tốc. Và tập đoàn đưa diễn viên đóng vai nữ chính đến giao lưu với người dân ở khu vực sẽ giải tỏa để đường cao tốc đi qua nhằm dễ dàng tạo sự thân thiết, gần gũi giữa tập đoàn xây dựng với người dân địa phương.

Phương tiện truyền thông như phim, truyền hình và tạp chí có thể thiết lập tiêu chuẩn về vẻ đẹp thông qua cách mà họ lựa chọn diễn viên, người mẫu hay hình ảnh nào xuất hiện trên màn ảnh. Việc sử dụng những diễn viên có vóc dáng hoàn hảo có thể tạo ra một tiêu chuẩn phi thực tế và ảnh hưởng đến sự tự tin vào bản thân của người xem.

Truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong việc định hình thẩm mỹ trong nghệ thuật. Việc quảng bá, phân phối và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật có thể tạo ra sự lan truyền thông điệp thẩm mỹ, ảnh hưởng đến cách mọi người đánh giá và hiểu về nghệ thuật.

Trách nhiệm của báo chí, nghệ sĩ và công chúng

Truyền thông có khả năng giúp thúc đẩy sự đa dạng thẩm mỹ. Nếu các phương tiện truyền thông giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật, người mẫu hoặc diễn viên có nguồn gốc và phong cách khác nhau có thể mở ra cơ hội cho sự thể hiện và công nhận thẩm mỹ đa dạng. Chỉ chiếu phim Trung Quốc, chỉ nghe nhạc Hàn Quốc sẽ hạn chế nhãn quan của cả xã hội.

Báo chí và truyền thông cần chủ động không chạy theo thị hiếu để đưa ra những sản phẩm nghệ thuật của mọi vùng miền, quốc gia, mang lại bức tranh đa sắc về văn hóa, cho công chúng được lựa chọn tiêu thụ đa dạng các sản phẩm văn hóa. Báo chí hãy tạo ra chương trình nghị sự (public agenda) có ý nghĩa sâu sắc, hơn là phản ánh những mối quan tâm hời hợt, vô giá trị.

Từ phía nghệ sĩ, hãy để lại di sản cống hiến cho xã hội bằng sản phẩm văn hóa-nghệ thuật, không phải bằng những “phốt” tự tạo ra để nổi tiếng. Bài học nhãn tiền về việc người nổi tiếng bị tẩy chay, đòi trả lại tước hiệu vì có nhiều người ghét (anti-fan) đủ để làm chùn tay những nghệ sĩ có cả đường dây đứng sau chủ động tạo tai tiếng, hoặc vô tình không kiểm soát được phát ngôn gây ra tai tiếng không đáng có.

Trách nhiệm lớn nhất là ở phía công chúng. Việc nhận thức và tự chủ trong tiếp cận thông tin truyền thông có thể giúp chúng ta hiểu biết hơn về truyền thông, có năng lực đánh giá thẩm mỹ tự tin và sâu sắc hơn, từ đó tự hình thành tư duy thẩm mỹ đa chiều, tương đối độc lập trước những xu hướng nhất thời mà truyền thông tạo ra.

Đừng sợ bị bỏ lỡ những tin tức nóng (hiệu ứng FOMO-fear of missing out), đừng sợ bị đánh giá là “người tối cổ” vì không quan tâm đến những tai tiếng của giới nghệ sĩ trên truyền thông. Tập trung vào những nội dung truyền thông sát sườn với lợi ích của bản thân là cách để thể hiện trách nhiệm với chính mình và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.