Sẵn sàng thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta. Tuy nhiên, nhằm giữ môi trường đầu tư hấp dẫn, rất cần hình thức hỗ trợ mới để thích ứng với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2024.

Vốn FDI tăng trở lại

Sau khi dòng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam liên tục giảm trong 6 tháng, tháng 7 là lần đầu tiên trong năm 2023, nguồn vốn này đã tăng trở lại so với cùng kỳ. Trong tháng 7, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7-2022.

Tính chung trong 7 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 16,24 tỷ USD. Con số này đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ. Trong 7 tháng có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 75,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 38,6% so với cùng kỳ). Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 7 tháng cũng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 11,58 tỷ USD). 

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sailun Việt Nam tại Tây Ninh. ẢNH: HỒNG ĐẠT

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giữa lúc dòng vốn đầu tư trên toàn cầu suy giảm do những khó khăn từ suy thoái kinh tế nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định rót vốn vào Việt Nam, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng cũng cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Việt Nam đã rất chủ động để chuẩn bị các điều kiện nhằm thu hút đối tác đầu tư như: Quỹ đất, hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ...

Đáng chú ý, theo nhiều chuyên gia, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 69,4% số dự án mới, nhưng tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 7 tháng. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong khi đó, các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Công cụ ưu đãi thuế với "đại bàng" FDI sắp mất tác dụng

Các tổ chức và chuyên gia dự báo trong những tháng cuối năm, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam sẽ còn có những tín hiệu tích cực hơn nữa nhờ khả năng hiện thực hóa cơ hội đầu tư của các DN thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao diễn ra trong nửa đầu năm. Nhưng điều cần chú ý là Việt Nam làm thế nào để giữ chân và thu hút các nhà đầu tư lớn khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

 Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: THANH THƯƠNG

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 142 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Xét theo góc độ tích cực, chính sách thuế này được đánh giá là giúp tăng thu thuế cho quốc gia. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra các thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì hầu hết biện pháp ưu đãi thuế thu nhập DN đang áp dụng (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị đối với các DN thuộc đối tượng chịu thuế suất tối thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến chính sách thu hút đầu tư sẽ kém hấp dẫn hơn đối với các tập đoàn, DN lớn. “Thực tế cho thấy, nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các DN thuộc đối tượng áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng vẫn phải nộp thuế bổ sung tại nước khác. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có phản ứng chính sách phù hợp nhằm tận dụng cơ hội giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách, đồng thời vẫn tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút "đại bàng" tới làm tổ, đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Đề xuất nhiều hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới

Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập DN năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu chính sách này được áp dụng từ năm 2024. Theo đó, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 mà các quốc gia khác đều áp dụng loại thuế này thì các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính hơn 14.600 tỷ đồng.

Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới là cần thiết nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2023, Chính phủ thống nhất sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách đầu tư và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Dự thảo nghị quyết được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào tháng 10-2023.

Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ Tài chính nêu rõ mục tiêu tổng thể nhằm xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024, bao gồm: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR); thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn; đi kèm là những giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới, bảo đảm bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư gián tiếp.

Về các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong báo cáo xin ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị áp dụng với những DN công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao... Theo đó, sẽ thí điểm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển... Mức hỗ trợ đầu tư cụ thể được thực hiện trên cơ sở Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ.

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết