Sân bay Điện Biên sắp hoàn thành, người dân vẫn chờ đường tránh

Dự án Sân bay Điện Biên sắp hoàn thành, nhưng đến nay, hàng vạn người dân vẫn phải đi vòng vèo qua các thôn, bản để chờ làm đường tránh.

Sân bay Điện Biên sắp hoàn thành, người dân vẫn chờ đường tránh

Tuyến đường tránh Sân bay Điện Biên vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn thành. Ảnh: Văn Thành Chương

Dự án Sân bay Điện Biên chính thức được khởi công ngày 22.1.2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III năm 2023, để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên sau đó, thời gian hoàn thành dự án lại được điều chỉnh đến cuối tháng 12.2023.

Sau gần một năm rưỡi triển khai, chỉ còn hơn 5 tháng nữa dự án này sẽ kết thúc theo kế hoạch, nhưng tuyến đường tránh sân bay phục vụ khoảng 1 vạn dân vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để thi công.

Tuyến đường dân sinh huyết mạch từ xã Thanh Luông đi TP Điện Biên Phủ trước khi bị đóng. Ảnh: Văn Thành Chương

Tuyến đường dân sinh huyết mạch từ xã Thanh Luông đi TP Điện Biên Phủ trước khi bị đóng. Ảnh: Văn Thành Chương

Trước đó, từ ngày 26.2.2023, tuyến đường dân sinh huyết mạch từ TP Điện Biên Phủ đi xã Thanh Luông, huyện Điện Biên và ngược lại đã bị đóng để thi công đường băng thuộc Dự án Sân bay Điện Biên. Đây là tuyến đường quan trọng, mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện và người dân qua lại. Do vậy, việc đóng đường khi chưa triển khai tuyến đường tránh như phương án đã được phê duyệt khiến người dân lo lắng, thiếu đường đi.

Mặc dù ngay sau đó, Ban quản lý Dự án các công trình TP Điện Biên Phủ - đơn vị được giao thi công tuyến đường tránh - đã triển khai máy móc, phương tiện để thi công. Tuy nhiên, sau gần 5 tháng, tuyến đường tránh vẫn chưa thành hình hài. Hàng ngày, người dân vẫn phải đi vòng vèo qua các thôn bản, xa hơn đường cũ từ 4-6km.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình TP Điện Biên Phủ - cho biết, hiện đơn vị đã phải rút hết người và phương tiện về vì huyện Điện Biên mới chỉ giải phóng mặt bằng được khoảng hơn 60%.

Vẫn còn khoảng chục hộ dân chưa có phương án giao đất, tái định cư.

Vẫn còn khoảng chục hộ dân chưa có phương án giao đất, tái định cư. Ảnh: Văn Thành Chương

"Do chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng để thi công, nên chúng tôi cũng chưa thể xác định được thời gian hoàn thành tuyến đường tránh này" - ông Sáng nói.

Sáng 11.7, có mặt tại công trường thi công tuyến đường tránh Sân bay Điện Biên, PV Báo Lao Động chỉ thấy có vài công nhân đang thi hạng mục cống thoát nước, còn lại cả công trường vắng lặng. Nhiều hộ dân thuộc diện di dời của dự án vẫn còn nguyên nhà cửa, vườn tược...

Giải thích về hiện trạng trạng này, ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên - cho hay, hiện vẫn còn vướng mắc khoảng hơn 10 hộ dân. Trong đó có 2 trường hợp, gồm 4 hộ đã niêm yết công khai (đến ngày 17.7 kết thúc) và 7 trường hợp liên quan đến tái định cư và bồi thường bằng đất.

Công nhân đang thi công hạng mục cống thoát nước thuộc dự án đường tránh Sân bay Điện Biên.

Công nhân đang thi công hạng mục cống thoát nước thuộc dự án đường tránh Sân bay Điện Biên.

"UBND huyện Điện Biên đã có văn bản đề nghị UBND TP Điện Biên Phủ có phương án bố trí tái định cư, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát và sớm phê duyệt phương án. Lúc đó, UBND huyện Điện Biên phê duyệt phương án thu hồi đất ở thì việc giải phóng mặt bằng mới hoàn thiện" - ông Tuấn cho biết thêm.

Như vậy, trong khi chờ bố trí tái định cư và giao đất cho hơn 10 hộ dân thì hơn 1 vạn dân xã Thanh Luông vẫn tiếp tục phải đi theo các đường vòng qua các thôn bản để tuyến đường tránh Sân bay Điện Biên.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư là hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Riêng công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.

Dự án gồm đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu BTXM đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60x100m và xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I...

Dự án cũng cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm. Nhà ga được thiết kế gồm 2 tầng trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, Khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; Tầng 2 là Khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...