Quảng Bình: Quyết tâm bàn giao mặt bằng Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đúng thời hạn
Quảng Bình hiện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), góp phần để Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 hoàn thành đúng kế hoạch. Mục tiêu là trước ngày 30-6 tới sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai các gói thầu xây lắp theo yêu cầu của Chính phủ.
Nhiều vướng mắc
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình được khởi công ngày 1-1-2023, với 3 dự án thành phần (Vũng Áng-Bùng; Bùng-Vạn Ninh; Vạn Ninh-Cam Lộ) có tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư 24.282,71 tỷ đồng. Khi triển khai dự án, có 3.117 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 580 hộ thuộc diện tái định cư; hơn 3.410 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 2.742 ngôi mộ phải di dời. Ngoài ra, dự án cũng ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội... Tổng kinh phí cho công tác GPMB là 4.432,454 tỷ đồng.
Theo đánh giá của chủ đầu tư và đơn vị thi công, việc các địa phương chưa thể bàn giao mặt bằng các gói thầu xây lắp, nguyên nhân chủ yếu ở việc bồi thường, hỗ trợ GPMB; di dời các công trình, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang còn chậm...
Ông Phạm Tuấn Cường, cán bộ GPMB Ban quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư 2 dự án thành phần Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh) cho biết: "Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất nỗ lực, nhưng việc bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mặc dù các nhà thầu đã huy động phương tiện, nhân lực lớn, tuy nhiên có nhiều đoạn tuyến chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có một số "nút thắt" như đoạn tuyến qua xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn; Làng Thanh niên lập nghiệp Quảng Châu (huyện Quảng Trạch)... đã ảnh hưởng đến kế hoạch thi công trên cả tuyến".
Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) thi công tại nút giao Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), gói thầu XL-01, Dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh. Ảnh: ANH TUẤN |
Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 thi công cầu khung K (tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch), gói thầu XL-01, Dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh. Ảnh: MINH TÚ |
Trong khi 2 dự án thành phần Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố, thì dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ do Ban quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư gần như nằm trọn trên địa bàn huyện Lệ Thủy với chiều dài hơn 32km; vì vậy, khối lượng công việc phải triển khai rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc địa phương chưa thể bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Hiện, công tác GPMB vẫn còn gặp một số vướng mắc, như: Trên các đoạn tuyến đang điều chỉnh lại trích đo, một số hộ còn có công trình xây dựng cơi nới trên tuyến; công tác xây dựng khu tái định cư chưa triển khai xong. "Cũng chiều dài tương tự, ở tỉnh Quảng Trị, dự án thành phần chạy qua địa bàn 3 huyện, trong khi đó ở Quảng Bình chỉ trải dài trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Chính vì vậy, áp lực bồi thường, GPMB đặt ra cho cấp ủy, chính quyền ở đây là rất lớn. Thực tế, địa phương đã rất cố gắng, khi hoàn thành GPMB đoạn tuyến nào thì bàn giao ngay cho các đơn vị thi công. Do vậy, việc mặt bằng thi công trên toàn tuyến bị cắt khúc, xen kẽ là không thể tránh khỏi, đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương trên cả nước khi triển khai Dự án", ông Chu Văn Long, Phó trưởng phòng Dự án 4, Ban quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh chia sẻ.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án được tổ chức ngày 11-5 do đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì, đã tiến hành rà soát, đánh giá tiến độ triển khai, đặc biệt là công tác bồi thường, GPMB. Hội nghị đánh giá, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đơn vị, đặc biệt là các địa phương đã triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm tiến độ đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế, mặt bằng bàn giao không liên tục, còn nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng đến việc thi công của các nhà thầu; công tác di dời các công trình hạ tầng, kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ. "Thời gian hiện rất gấp rút, trong khi đó khối lượng công việc còn rất nhiều, để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 30-6 theo yêu cầu của Chính phủ, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương, có các giải pháp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đơn vị, đặc biệt là các địa phương. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện hoàn thành đúng tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trên địa bàn quản lý", đồng chí Trần Thắng nhấn mạnh.
Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công cầu Long Đại, gói thầu XL-02, Dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh. Ảnh: Anh Tuấn |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị tiếp tục vào cuộc với tinh thần, nỗ lực cao nhất: Tính đến ngày 19-5, các địa phương đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,79km/126,79km (đạt 100%). Hội đồng GPMB cấp huyện đã kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 125,98km/126,79km (đạt 99,36%). UBND cấp huyện đã ban hành 109 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền có giá trị 645,66 tỷ đồng với diện tích 847,62ha/1.155,7ha (đạt 73,34%) và chiều dài 103,16km/126,79km. Chiều dài các đoạn tuyến đã bàn giao cho chủ đầu tư là 89,09km/126,79km (đạt 70,27%)...
Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công cầu Long Đại, gói thầu XL-02, Dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh. Ảnh: ANH TUẤN |
Liên quan đến công tác bồi thường, GPMB đoạn qua xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, cơ bản chính quyền địa phương đã tháo được "nút thắt". Trước đó, 254 hộ dân ở xã Quảng Sơn không nhất trí với phương án khung giá đền bù đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Họ cho rằng, trên cùng một đơn vị diện tích đất nông nghiệp thì chi phí đầu tư, năng suất cây trồng, thu nhập hằng năm của xã Quảng Sơn là tương đương hoặc cao hơn xã Quảng Hòa và xã Quảng Minh. Trong khi đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cho người dân bị thu hồi đất thấp hơn các xã lân cận 75.000 đồng/m2. Để bảo đảm công bằng cho người dân xã Quảng Sơn, UBND thị xã Ba Đồn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình quyết định mức hỗ trợ 75.000 đồng/m2 đối với các loại đất: Chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại, đất bằng trồng cây hằng năm.
Đến nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành 7 quyết định chuyển mục đích sử dụng với tổng diện tích rừng 437,25ha. Đồng thời phê duyệt quy hoạch chi tiết 26/26 khu tái định cư; trong đó có 1 khu tái định cư đã triển khai thi công; 3 khu tái định cư đã được phê duyệt dự án. UBND cấp huyện đã bố trí 13 khu với diện tích là 57,09ha cho 2.742 ngôi mộ phải di dời tại 11 xã. Hiện, các địa phương, đơn vị đang gấp rút triển khai tiến độ phê duyệt, di dời, hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành công tác bồi thường, GPMB phần diện tích còn lại của dự án...