Phát triển các mô hình phòng cháy, chữa cháy hiệu quả ở cơ sở

Phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy nổ. Tại Tây Ninh, nhờ xây dựng và phát triển các mô hình trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ hiệu quả, đã góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra cháy nổ.

* Phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Tây Ninh, thời điểm “vàng” để triển khai công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất được xác định là khoảng thời gian từ 3-5 phút đầu kể từ khi đám cháy bùng phát. Khi đó, lực lượng chữa cháy tại chỗ đủ năng lực sẽ khống chế được đám cháy trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến.

Do đó, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nhất là các địa bàn cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.

Ghi nhận trên địa bàn thành phố Tây Ninh, qua rà soát, hiện có trên 3.000 hộ gia đình tận dụng nhà ở để kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trước thực trạng này, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do xảy ra cháy nổ, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường vận động 22 hộ gia đình mở lối thoát hiểm thứ 2, đồng thời thành lập 77 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” cùng 3 Điểm chữa cháy công cộng.

Ông Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh) cho biết, từ khi triển khai mô hình, những gia đình thuộc Tổ Liên gia phòng cháy, chữa cháy đã được trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, dụng cụ chữa cháy ban đầu cũng như nâng cao kiến thức về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời xử lý có hiệu quả những vụ cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.

Đồng thời, các hộ dân cũng phối hợp thông tin, nắm bắt tình hình, cảnh báo sớm nguy cơ, góp phần kéo giảm số vụ cháy, từ đó lan truyền ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương. Trong năm qua, người dân đã chủ động báo cho cơ quan công an thành phố Tây Ninh 12 tin báo cháy, 5 tin báo về các cơ sở có biểu hiện vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, tham gia chữa kịp thời 1 vụ cháy, không để lan vào nhà dân và khu vực khác.

Thị xã Hòa Thành - một trong những địa phương trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, có 919 cơ sở thuộc diện quản lý, trên 2.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 27 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao.

Để ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra, thị xã Hòa Thành đã thành lập 39 đội dân phòng, 625 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; xây dựng 78 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn thị xã không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

* Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”

Sau hơn 1 năm triển khai và thực hiện xây dựng 800 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết, cách làm này đã phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân; có ý nghĩa rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm. Do đó, thời gian tới, Tây Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình này trong nhân dân.

Ngoài 800 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, Tây Ninh hiện có 545 đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng với trên 5.000 đội viên tại 94 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Đây là lực lượng được thành lập và bố trí ở địa bàn dân cư, bước đầu đã phát huy được tính hiệu quả nhất định theo phương châm “4 tại chỗ”, là cánh tay nối dài của UBND và công an cấp xã trong công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương, nhất là đối với khu dân cư, hộ gia đình.

Đặc biệt, trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng này đã phối hợp, hỗ trợ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn được người dân thoát nạn, thoát hiểm trong những vụ việc đơn giản; di chuyển và bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự... góp phần làm tốt công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.

Liên quan đến công tác này, Đại tá Trần Văn Luận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, sắp tới lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh sẽ chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát, kiện toàn và nhân rộng mô hình Tổ Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư, hộ gia đình, địa bàn cơ sở nơi có nguy cơ cháy nổ cao; tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho người dân.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, năm 2024 phấn đấu trên toàn địa bàn mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy và dụng cụ phá dỡ; vận động hộ gia đình có nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh mở lối thoát thứ 2. Thành viên Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy sẽ tăng cường phối hợp và hỗ trợ các gia đình, tạo mạng lưới an toàn chung, cùng thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại nơi sinh sống.

Để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả bền vững, toàn diện, ngành Công an đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện, thị xã, thành phố, Ban Giám hiệu các trường triển khai thực hiện việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phù hợp với từng cấp học./.

Giang Phương

Lượt xem: 5
Tác giả: Giang Châu Phương
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết