Phát huy nguồn nhân lực công nghiệp sáng tạo Hà Nội

Trong tháng 11-2023, Hà Nội phải hoàn thành báo cáo giám sát tư cách thành viên sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (2019-2023). Thành tựu bước đầu là Hà Nội đã thực hiện hiệu quả kết nối nhân lực sáng tạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy thế mạnh vượt trội này.

Tiềm năng to lớn về nhân lực

Hà Nội còn có nguồn lực con người to lớn với trên 51,7% dân số trẻ. Tuổi trẻ đồng nghĩa với sức sáng tạo mạnh mẽ, dồi dào và cũng là thị trường có “độ mở” cao, dễ tiếp thu những sáng tạo mới mẻ.

Với đặc điểm là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của đất nước, Hà Nội là nơi tập trung của rất nhiều các trường đại học, trung tâm sáng tạo, đổi mới, tổ chức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Với khoảng 100 trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật, cả công lập và ngoài công lập. Ngoài ra cũng cần phải nhấn mạnh: Hầu hết viện nghiên cứu văn hóa, văn nghệ hàng đầu ở nước ta tập trung tại Thủ đô, với ước tính tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Tầm quan trọng của lý thuyết là để khai mở, dẫn dắt, định hướng cho hoạt động sáng tạo cho nên đội ngũ trí thức cũng có nhiều đóng góp đáng kể. Hà Nội còn hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa.

Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Đặc biệt, tầm nhìn và thương hiệu của một “Thành phố sáng tạo” sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển kinh tế-xã hội... Vì thế, nội dung trọng tâm và xuyên suốt mà Hà Nội đề ra trong thời gian tới là phải triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết. Muốn vậy, phát huy nhân tố con người là điều bắt buộc để triển khai các sáng kiến.

Trình diễn tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: HOÀNG DŨNG 

Theo đánh giá của PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Qua 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã bước đầu thực hiện các cam kết và đã liên kết nhân lực sáng tạo thông qua những hoạt động, sự kiện về đổi mới sáng tạo, các cuộc thi quy mô lớn thu hút sự quan tâm và gây tiếng vang như: Tuần lễ thiết kế Việt Nam, lễ hội thiết kế-sáng tạo Hà Nội, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô, thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu, cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo...

Chỉ cần xem xét kết quả một số cuộc thi về thiết kế thời trang, kiến trúc... có thể thấy nhiều tác giả đoạt giải còn rất trẻ, thậm chí đang là sinh viên. Rõ ràng tiềm năng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô là rất lớn và còn nhiều dư địa phát triển.

Đòn bẩy cơ chế, chính sách

Nghị quyết số 09-NQ/TU Hà Nội ngày 22-2-2022 được Thành ủy Hà Nội ban hành liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rất rõ mục tiêu: Tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Thành phố đặt ra mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một “Thành phố sáng tạo” ở tầm vóc châu Á và “công nghiệp văn hóa” phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045).

Để hoàn thành mục tiêu cao, phát huy vai trò đi đầu, Hà Nội cần chủ động ban hành những cơ chế, chính sách trong thẩm quyền. Đồng thời tiến hành tổng kết thực tiễn mà Hà Nội đang triển khai; từ đó, kiến nghị với các bộ, ban, ngành ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Vai trò dẫn dắt của chính quyền đã được phát huy khi tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể sáng tạo nên không gian phố đi bộ Phùng Hưng, cải tạo Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm... Song theo nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Cần phát huy vai trò của tư nhân hơn nữa trong mọi khía cạnh, đặc biệt là sáng tạo. Nhiều văn nghệ sĩ trẻ đang ấp ủ có nhiều dự án mới mẻ, chính quyền cần lắng nghe, chắt lọc để tập trung thực hiện mang lại hiệu quả cao như: Triển lãm nghệ thuật có tầm vóc quốc tế định kỳ 2-3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale), khai thác giá trị văn hóa lịch sử thời kháng chiến-bao cấp...

Một trong những vấn đề mà các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị với Hà Nội là mạnh dạn đưa giáo dục nghệ thuật, giáo dục về sáng tạo vào trong nhà trường. Không nên hiểu máy móc giáo dục nghệ thuật là để đào tạo ra các văn nghệ sĩ sáng tạo mà điều quan trọng là giúp học sinh hình thành tình yêu đối với nghệ thuật, với cái đẹp và hình thành nên tinh thần sáng tạo; đồng thời tạo ra một lớp công chúng mới tiêu thụ các sản phẩm văn hóa sáng tạo trong tương lai.

Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...