Phân cấp, ủy quyền để thu hút nguồn lực đầu tư
Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế, việc tăng cường CCHC gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của Hà Nội còn nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho thành phố.
Phân cấp để tháo gỡ vướng mắc
Thành phố (TP) Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Từ năm 2006 đến nay, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP đã ban hành 2 Nghị quyết và Ủy ban nhân dân (UBND) TP ban hành 8 Quyết định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội.
Hiện TP đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND TP và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND năm 2021 của UBND TP. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của cơ sở.
Công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền sẽ là công việc thường xuyên và liên tục của thành phố. Ảnh: Mai Dương. |
Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực, việc phân cấp, ủy quyền phù hợp đã tạo ra hiệu quả. Như trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tại nhiều quận, huyện, tỷ lệ giải ngân cao bởi người đứng đầu đã thực sự vào cuộc trong trách nhiệm được phân quyền, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vướng mắc, nhiều lĩnh vực việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, dẫn đến chồng chéo, ách tắc. Nhiều bất cập trong thực tiễn đã từng được nêu ra như việc quận, huyện có nguồn lực nhưng không thể đầu tư cho một số lĩnh vực bởi cấp mình không được phân cấp quản lý như một số di tích, trường THPT, hệ thống chiếu sáng, cây xanh…
Việc Hà Nội thực hiện rà soát tổng thể về phân cấp, ủy quyền và HĐND TP đã thông qua Nghị quyết, Đề án về vấn đề này chính là một bước đột phá, phù hợp với tình hình hiện nay.
Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội đã bóc tách các nhiệm vụ, thủ tục hành chính (TTHC) để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện. Trong đó, phân cấp, ủy quyền đối với 634 TTHC, đạt 35,5% TTHC cấp TP. Đối với nhiệm vụ quản lý Nhà nước, ít nhất cũng có khoảng 210 nhiệm vụ chính trong 15 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền.
Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế-xã hội cũng bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ. Nhiều lĩnh vực đã có sự phân cấp mạnh hơn trong quản lý như với đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với chiếu sáng, thoát nước; đầu tư chợ, trường học...
Phân cấp gắn với cải cách hành chính
Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố được nhân dân, doanh nghiệp đón nhận một cách phấn khởi. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà cho biết, dù chỉ là bước đầu nhưng sự kỳ vọng vào Đề án là rất khả quan, đặc biệt với các doanh nghiệp, bởi việc phân cấp giúp tạo chủ động, hỗ trợ giải quyết các TTHC và giảm thời gian phải trình các cấp. “Chúng tôi đã được lắng nghe nhiều ý kiến từ những doanh nghiệp phải thường xuyên làm các thủ tục liên quan đầu tư, cho thấy họ đang phải thực hiện nhiều thủ tục, dẫn tới cơ hội đầu tư và năng suất lao động giảm. Do đó phân cấp sẽ giúp họ rất nhiều, đồng thời góp phần giảm bớt lãng phí của xã hội.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội nhưng còn khó khăn về thủ tục, trong khi đó, các địa phương lân cận lại có sự hỗ trợ nhiều hơn. Nếu cải thiện về TTHC có thể làm mất nguồn lực vào các địa phương bên cạnh, do vậy cần xem xét kỹ hơn ở việc phân cấp để tận dụng nguồn lực đầu tư”- ông Sơn nêu ý kiến.
Việc phân cấp, ủy quyền sẽ được TP Hà Nội gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: internet. |
Ở góc độ địa phương, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho rằng, triển khai Đề án sẽ chủ động cho địa phương trong quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Với thị xã Sơn Tây, việc phân cấp, ủy quyền kỳ vọng sẽ giúp quản lý tốt hơn nhiều nội dung như quản lý chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ sẽ hiệu quả hơn; việc quản lý trường THPT sẽ thuận tiện cho việc cải tạo sửa chữa đáp ứng yêu cầu giáo dục; về giao thông sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, vệ sinh môi trường.
Phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội là nội dung rất hệ trọng và bức thiết trong bối cảnh của thành phố hiện nay, có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền của thành phố, đặc biệt là tại cấp Sở, ngành và quận, huyện, thị xã.
Đây đồng thời là nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế-xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; Tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực tài chính... nên những nội dung phân cấp, ủy quyền theo Đề án mới là kết quả bước đầu. Công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền sẽ là công việc thường xuyên và liên tục của thành phố.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc phân cấp, ủy quyền sẽ gắn chặt với cải cách TTHC, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục; Giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
HUY DƯƠNG