Phân cấp, phân quyền để Hà Nội tự tin bứt phá
Theo các chuyên gia, vấn đề phân cấp, phân quyền là nội dung quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Cụ thể hóa cơ chế, chính sách
Trong các quy định về phân cấp, phân quyền, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong việc quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy.
Đây được đánh giá bước đột phá quan trọng, tạo ra tiền đề để thành phố có thể chủ động hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được giao trong Dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong việc quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy |
Trong đó, Dự thảo Luật quy định phân quyền cho HĐND thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù; thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng và giao HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm; cho phép UBND, Chủ tịch UBND thành phố phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện hoặc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã khẳng định: Nếu chúng ta thực hiện tốt phân cấp, phân quyền cho Thủ đô song song với bảo đảm kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm sẽ có tác dụng lâu dài.
Về vấn đề này, Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhận định, Dự thảo Luật hướng tới xây dựng các nhóm cơ chế, chính sách vượt trội, phân cấp, phân quyền cho thành phố để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Dưới góc nhìn của Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cần có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong các lĩnh vực về đầu tư, quy hoạch, quản lý đất đai, bộ máy - cán bộ để tạo sự chủ động cho thành phố.
Không phá vỡ quy hoạch
Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Cho đến nay, sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Thủ đô đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, quá trình thực thi luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lập, quản lý, triển khai quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ...
Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa dổi) phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa dổi) phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng |
Nhận định về nội dung này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND thành phố Hà Nội.
“Tương tự như các địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh như Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng của Hà Nội thường kéo dài, tạo nên độ trễ nhất định so với xu hướng, mục tiêu, định hướng và thực tiễn phát triển”, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.
Nhằm bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhưng không phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch. UBND thành phố Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều chỉnh cục bộ.
Trên thực tế, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch được Hà Nội đặc biệt coi trọng. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành chú trọng hơn nữa quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.
Trong đó, việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch được yêu cầu thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Thủ đô Hà Nội như Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, tập hợp về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững; có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. |