Nông nghiệp xanh

Những ngày gần đây, tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long rộ lên câu chuyện đẩy mạnh và phát triển nông nghiệp xanh để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững với mục tiêu xanh, sạch, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Sở dĩ câu chuyện phát triển nông nghiệp xanh được người dân quan tâm là do bối cảnh của đại dịch covid-19, do giá xăng dầu tăng dẫn đến các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... tăng theo. Từ đó chi phí cho sản xuất lúa, cây ăn trái phải đối mặt với chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm. Cùng với đó, trên những cánh đồng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp xanh mang lại hiệu quả thiết thực. Những mô hình nông nghiệp xanh đang từng bước khắc phục tình trạng được mùa, mất giá vẫn thường xuyên diễn ra thời gian qua.

Điển hình của mô hình phát triển nông nghiệp xanh phải kể đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Phú ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ). HTX với 140 hộ dân tham gia trồng lúa an toàn theo mô hình nông nghiệp xanh với diện tích 300ha. Bằng cách làm mới, tiết kiệm chi phí, sử dụng phân hữu cơ và liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp xuất khẩu nên HTX được bao tiêu sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, lợi nhuận tăng so với trước đây từ 15 đến 30%. Nhờ tích cực tuyên truyền, xây dựng các mô hình điểm của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ mà giờ đây, trên địa bàn đã xây dựng được 18 vùng rau an toàn tập trung với 229ha; 10.000ha lúa sạch, an toàn; 447ha vườn cây ăn trái của các HTX đã đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...

 Phát triển nông nghiệp xanh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Không phải bây giờ ngành nông nghiệp mới quan tâm đến xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh, trước đây cả chục năm, nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm và xây dựng mô hình nông nghiệp xanh. Mô hình này đưa ra được những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, vật tư, tăng cường tuần hoàn các chế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, HTX. Tuy được triển khai sớm nhưng các mô hình phát triển nông nghiệp xanh không mang lại hiệu quả thiết thực do quy mô sản xuất của người nông dân nhỏ lẻ, khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn. Trình độ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn thô sơ, người nông dân vẫn sản xuất theo thói quen định sẵn khi sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Ngoài ra, sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp vẫn còn rào cản khi chưa trực tiếp đến được với nhau, vẫn phải qua khâu trung gian là thương lái dẫn đến đầu ra bấp bênh, thiếu minh bạch.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trong thời gian tới mà ngành nông nghiệp hướng đến, đó là nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Để có được nền nông nghiệp phát triển bền vững, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, người nông dân cũng cần đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng mình sản xuất ra. Liên kết, liên doanh tạo ra một vòng khép kín từ sản xuất giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến, đưa ra thị trường, xuất khẩu. Có như vậy, sản phẩm làm ra mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như thế giới.

NGUYỄN BÁ

Tags: qdnd
Lượt xem: 145
Tác giả: admin1
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết