Nhiều địa phương phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao

Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong năm 2025, nhiều địa phương cam kết phấn đấu thực hiện tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu do Chính phủ giao.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế diễn ra sáng 21/2, chia sẻ với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong năm 2025, nhiều địa phương cam kết phấn đấu thực hiện tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu do Chính phủ giao.

Thủ tướng: Thúc đẩy động lực mới để kinh tế tăng trưởng8%
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Tham dự còn có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến. Ảnh: Nhật Bắc
Địa phương phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao
Lãnh đạo Bộ Công Thương tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD. Đến ngày 20/2, TP. Hà Nội đã thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34 % kế hoạch dự toán năm 2025.

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Hà Nội sẽ tập trung vào nhiệm vụ phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.

Cùng đó, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%; phấn đấu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14 %, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13 %.

Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới.

TP. Hồ Chí Minh nỗ lực tăng trưởng 2 con số

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đề xuất một số giải pháp để thực hiện chủ trương đưa Thành phố phát triển 2 con số theo chủ trương của Chính phủ, cụ thể:

Kiến nghị, đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước. Cùng đó, tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các cái dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. Ngoài ra, giải quyết các điểm nghẽn, xử lý các dự án tồn đọng, dự án dừng thi công, khẩn trương triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Còn về các giải pháp lâu dài, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện Nghị quyết số 98; rà soát, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là những dự án đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố tiếp tục hứa với Thủ tướng vì cả nước, vì đồng bào Thành phố sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như Thủ tướng đã kỳ vọng.

Hải Phòng nỗ lực thực hiện tăng trưởng ở mức cao hơn

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, năm 2024 tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%, tương đương với tiến độ của các năm trước. Điều này phản ánh sự nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả trong phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội.

Về tăng trưởng kinh tế, trong 10 năm liên tiếp, thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%. Đối với năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.

Dự báo, GRDP của thành phố trong quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý I thường chỉ đạt khoảng 10%.

Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Nhiều địa phương phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao
Các đại biểu nghe lãnh đạo Thành phố Hải Phòng phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, thành phố Hải Phòng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến, tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành. Thành phố Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.

Thứ hai, về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay thành phố Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm bốn bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất.

Do đó, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, thành phố Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng.

Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.

Quảng Ninh quyết tâm tăng trưởng vượt mức

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết, trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%.

Dù vậy, theo ông Phạm Đức Ấn, khi Quảng Ninh xây dựng mục tiêu tăng trưởng 12,5% thì đây là mức tăng hết sức khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và đặc biệt là quy mô của tỉnh rất lớn, hiện nay đã gần 347.000 tỷ đồng và nếu tăng trưởng14% thì chúng tôi có mức tăng tuyệt đối là hơn 48.000 tỷ đồng.

"Đây là con số lớn, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp" - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ và cho biết, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đặt ra, tỉnh Quảng Ninh xác định lấy đầu tư công, lấy đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính.

Với đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh coi đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính quyết định trong năm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, các giải pháp phục vụ tăng trưởng không chỉ cho năm 2025 mà còn chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030.

Cũng tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Chính phủ, quan tâm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án của ngành than, đối với dự án khu du lịch phức hợp cao cấp tại Khu Kinh tế Vân Đồn... đồng thời kiến nghị Chính phủ phê duyệt những chính sách đặc thù đối với dự án Nhà máy ô tô Thành Công. Đây là nhà máy hứa hẹn tạo ra "cú hích" tăng trưởng lớn cho kinh tế của Quảng Ninh.

Cuối cùng là vấn đề bổ sung quy hoạch điện gió trong Quy hoạch điện VIII, trong các sản phẩm của các Khu Công nghiệp phức hợp hiện nay thì yêu cầu trong sản phẩm có "sản xuất xanh" và có cơ cấu tái tạo, vì vậy tỉnh mong muốn tăng tỷ lệ điện tái tạo, Bộ Công thương và Chính phủ xem xét tăng các dự án điện gió của tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn được sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành để tỉnh nỗ lực với quyết tâm cao nhất đạt được những mục tiêu đề ra cùng với cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 8%.

Bắc Giang còn dư địa cho tăng trưởng kinh tế

Tương tự, ông Nguyễn Việt Oanh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng chia sẻ những động để nền kinh tế Bắc Giang tăng trưởng.

Thứ nhất, về nông nghiệp, với cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả của Trung ương và tỉnh, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đã có tác động lan tỏa giúp thay đổi thói quen sản xuất trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Dự báo, năm 2025 sẽ tăng khoảng 3,8%.

Thứ hai về sản xuất công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh.

Năm 2024 tỉnh Bắc Giang đã thu hút 2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, là cơ sở cho nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động.

Năm 2025 dự kiến tổng gía trị sản xuất sẽ đạt khoảng 703 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2024.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 145 nghìn tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 10,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 5,49 tỷ USD.

Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 4 khu công nghiệp với diện tích trên 860 ha, sẽ tạo thêm không gian mới cho tỉnh thu hút đầu tư vào cuối năm 2025 và những năm tiếp theo.

Thứ ba, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Một số ngành sản xuất công nghiệp có giá trị lớn đã đảm bảo đơn hàng sản xuất cho cả năm 2025.

Ngành dịch vụ tốc độ tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt 7,5%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 13,6% trong năm 2025, tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch, kịch bản tăng trưởng đến từng quý, giao 105 nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với thời gian và người chịu trách nhiệm.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...

Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 19/2. Hội nghị được tổ chức nhằm rà soát và thúc đẩy các địa phương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.

 
Lượt xem: 11
Tác giả: Hoàng Giang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...