Người dân đang phải "thắt lưng buộc bụng" vì kinh tế khó khăn

Trong 8 tháng năm 2024, có 12,4% hộ gia đình được phỏng vấn đã chia sẻ “đã phải nhận sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau”; có 30,8% hộ gia đình cho biết đã trải qua ít nhất một sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; từ dịch bệnh đối với con người và cây trồng, vật nuôi...

Article thumbnail
Đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Ảnh: T.T

Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 8/2024 tại báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,1%; tỷ lệ hộ gia đình đánh giá có thu nhập giảm và không biết so với tháng cùng kỳ năm 2023 là 3,9%.

Theo đó, các hộ có thu nhập tháng 8 giảm so với cùng kỳ năm trước nhận định nguyên nhân chủ yếu là có thành viên hộ mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc chiếm tỷ lệ 45,7%; ngoài ra còn do quy mô các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm; do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng; do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm...

Theo anh Phạm Ngọc Tuệ ở Linh Đàm, Hoàng Mai, TP Hà Nội chia sẻ, trước anh có làm việc cho một công ty truyền thông quảng cáo, nhưng do nay kinh tế khó khăn, các đối tác truyền thông cắt giảm chi phí PR, quảng cáo, công ty cắt giảm nhân sự nên bị cho nghỉ việc.

Như bao gia đình khác, gia đình anh Tuệ rất khó khăn khi mọi chi phí học hành của con gái, tiền trả góp mua nhà diện thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt gia đình... phụ thuộc vào đồng lương của vợ và số tiền ít ỏi tiết kiệm được trước đó.

Anh Tuệ cũng chia sẻ sẽ cố gắng đi kiếm công việc khác, tuy nhiên để kiếm ngay một công việc khác khi ở độ tuổi hơn 40 cũng không phải dễ dàng.

Chị Vũ Thị Huyền ở Cầu Giấy, TP Hà Nội chuyên bán hàng Đức online cũng chia sẻ, do kinh tế khó khăn nên các mặt hàng về mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm... cũng rất khó kiếm khách. Chị Huyền cho rằng: “Chắc do kinh tế khó khăn nên người dân phải "thắt lưng buộc bụng", người dùng có thể dùng tiết kiệm hơn hoặc lựa chọn các mặt hàng có giá cả bình dân để tiết kiệm chi phí...”

Theo ghi nhận từ báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm nay, có 30,8% hộ gia đình cho biết đã trải qua ít nhất một sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình, tỷ lệ này không thay đổi so với tháng trước và giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các hộ chịu ảnh hưởng tiêu cực của các sự kiện có tới 30,1% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 2,5% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 1,8% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Cũng trong 8 tháng năm nay, đã có 12,4% hộ gia đình được phỏng vấn nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ họ hàng, người thân là 8,4%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 4,5%; từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 4,1%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 1,6% và từ các nguồn khác là 0,02%.

Tuy nhiên, tính đến nay, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong 8 tháng năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5 nghìn tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.