Nghệ An: Tết buồn của cư dân “xóm chạy thận” thành Vinh

Gần Tết Nguyên đán, cư dân “xóm chạy thận” (phường Quán Bàu, TP Vinh) san sẻ, động viên nhau gắng gượng vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần do bệnh tật giày vò.

Chạy cơm từng ngày

Trong căn phòng trọ bé tý bên đường Lê Ninh (TP Vinh), ông Lương Văn Chánh (quê huyện Tương Dương) bốc thêm nắm gạo bỏ vào xoong nhôm, phân trần: “Hôm nay tôi có vợ đến thăm nên nấu thêm nắm gạo”.

Ông Lương Văn Chánh (Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ về những khó khăn khi mắc bệnh suy thận.  Ảnh: Quỳnh Trang

Ông Lương Văn Chánh (Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ về những khó khăn khi mắc bệnh suy thận. Ảnh: Quỳnh Trang

Ông Chánh đang điều trị suy thận tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cơ sở 2. Ông gắn bó với xóm chạy thận này đã 5 năm, cuộc sống rất khó khăn, chật vật, nợ đến 50 triệu tiền thuốc.

Dù ốm mệt, ông phải tự nấu ăn để tiết giảm chi phí. Vợ đến chăm được 1 đến 2 hôm rồi phải chạy về nhà làm thuê, cuốc mướn để gửi tiền lo cho ông.

Cánh tay chi chít những vết sẹo dài, phải băng thường xuyên. Ảnh Quỳnh Trang

Cánh tay chi chít những vết sẹo dài, phải băng thường xuyên. Ảnh Quỳnh Trang

Cắm cụi lau chùi chiếc xe Wave tàu cũ để chuẩn bị chiều chạy xe ôm, ông Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) 55 tuổi tiếp lời: “Tôi là người chạy thận ở đây lâu năm nhất, con cái ở nhà có vợ lo, những năm trước còn nhẹ tôi có thể về nhà xách đồ ăn mang đi để đỡ tốn tiền mua thức ăn".

6 năm trở lại đây bệnh ngày càng nặng hơn nên ông Lập ở hẳn TP Vinh cho kịp lịch chạy thận thứ 2, 4, 6 hàng tuần. "Chẳng biết sống chết ra sao, hôm nay ngồi đây với nhau, sáng ra không còn nhìn thấy nhau nữa là chuyện bình thường” - ông Lập nói.

Ông Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) 52 tuổi người có thâm niên sống tại xóm trọ được 10 năm chống chọi với bệnh thận. Ảnh: Quỳnh Trang

Ông Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) 52 tuổi người có thâm niên sống tại xóm trọ được 10 năm chống chọi với bệnh suy thận. Ảnh: Quỳnh Trang

Chị Tâm, chủ xóm trọ nơi có 15 bệnh nhân chạy thận đang trú ngụ chia sẻ: Do dịch bệnh, ở xóm này có những bệnh nhân 7 tháng liền không về nhà, người thân cũng không thể lên thăm, thiếu thốn đủ thứ.

Cũng theo chị Tâm, đa phần người chạy thận có cuộc sống khó khăn, vì thế vợ chồng chị giảm chi phí thuê phòng để chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa thành  phố Vinh cơ sở 2 ( Nghệ An) có 206  bệnh nhân chạy thận và người nhà vẫn đang thắc thỏm, chạy đua từng ngày với thần chết. Ảnh: Quỳnh Trang

Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cơ sở 2 ( Nghệ An) có 206 bệnh nhân chạy thận và người nhà vẫn đang thắc thỏm, chạy đua từng ngày với thần chết. Ảnh: Quỳnh Trang

Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cơ sở 2 cho biết:

"Có 206 bệnh nhân đang chạy thận ở đây. Họ được lọc máu 3 lần/ tuần, mỗi lần mất khoảng 1 giờ đồng hồ, chi phí hiện tại bảo hiểm thanh toán 567.000 đồng/lần chạy, chưa kể thuốc và dịch truyền máu.

Tuổi thọ trung bình chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nếu được chăm sóc tốt và có tinh thần thoải mái thì bệnh nhân có thể kéo dài sự sống bình quân  từ 10- 11 năm”. 

Bệnh nhân chạy thận mong mỏi gì vào dịp Tết? 

Chị Đặng Thị Thuỷ (34 tuổi)  lấy chồng được 15 năm thì chồng tai nạn lao động mất ở Lào năm 2015. Kể từ đó, chị sống một mình ở xóm trọ, ngày qua ngày vất vả chạy thận.

Chị Đặng Thị Thuỷ ( Đô Lương, Nghệ An) 34 tuổi  “thèm” được ở bên con  trong những ngày tết. Ảnh: Quỳnh Trang

Chị Đặng Thị Thuỷ ( Đô Lương, Nghệ An) 34 tuổi “thèm” được ở bên con trong những ngày tết. Ảnh: Quỳnh Trang

Chị Thuỷ có 2 con, 1 đứa lớp 10 học tại trường SOS Vinh, đứa kia lớp 7 thì ở với bà nội. Trước kia chị làm nông, không có lương thưởng nên hiện tại chi phí ăn uống, chữa bệnh chỉ biết vay mượn ngân hàng.

Tiền chạy chữa trong bệnh viện bảo hiểm chi trả, thế nhưng chị vẫn phải lo tiền thuê trọ 900.000 đồng/tháng, tiền ăn uống và chi phí phát sinh khác.

Khi tôi hỏi đến Tết chị có về quê không, chị Thuỷ thở dài chia sẻ: "Tết nhất người ta về chơi với con cái đoàn tụ còn tôi tranh thủ mấy ngày tết đi làm giúp việc. Những ngày tết họ thuê nhiều lắm, mỗi ngày làm được 500 nghìn. Mình cố làm được vài ngày thì đủ 1 tháng lọc máu”.

Mấy năm trước còn khoẻ, chị Thủy cố đi làm gạch, bốc vác, phụ hồ. Vài năm gần đây chị yếu hơn cùng với dịch bệnh nên tìm một công việc làm thời vụ càng khó. Nhà chị đông anh em nhưng không ai khá giả về kinh tế, ai cho đồng nào thì chị dành dụm cho con cái học hành.

“Năm mới sắp đến dù bị bệnh nhưng vẫn phải lo ở nhà, Tết nhất so với người khác con cũng phải được bộ quần áo mới” - chị Thuỷ tâm sự.

Những ngày cuối năm, cư dân xóm chạy thận TP Vinh  mong muốn được ở bên gia đình. Ảnh: Quỳnh Trang

Những ngày cuối năm, cư dân xóm chạy thận TP Vinh mong muốn được ở bên gia đình. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo ông Nguyễn Thừa Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Vinh, nhiều năm nay bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện chung tay giúp đỡ bệnh nhân chạy thận. Tất cả các bệnh nhân chạy thận đều được hỗ trợ cơm trưa, bệnh viện tổ chức mừng tuổi cho các bệnh nhân vào dịp Tết.

"Bệnh nhân chạy thận quá khó khăn, vất vả. Bệnh viện đã làm tất cả để họ giảm bớt khó khăn, đau đớn. Mong rằng xã hội, các nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với những người bệnh nghèo" - ông Nguyễn Thừa Tiến chia sẻ.

Lượt xem: 185
Tác giả: Quỳnh Trang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...