Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật Đảng

UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp công lập; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 131 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Article thumbnail
Hội nghị triển khai công tác thanh tra năm 2024 của Thanh tra tỉnh Yên Bái. Ảnh: Đại Quyền

Tại Văn bản số 3176, ngày 29/8/2024 của UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Quy định số 131-QĐ/TW; các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra; Quy định số 50 ngày 15/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Kịp thời tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, bảo đảm kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ.

Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định; bảo vệ, khen thưởng tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý sai phạm hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

UBND tỉnh giao, Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các quy định khác có liên quan theo chức năng, thẩm quyền để bảo đảm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra đảm bảo hiệu lực, hiệu quả (nếu có).

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm phòng ngừa và phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; biểu dương, khen thưởng kịp thời cán bộ, công chức, viên chức phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ nêu trên, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...