Nâng cao chất lượng mô hình Tổ tư vấn bảo vệ phụ nữ

Thời gian qua, mô hình Tổ tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em đã phát huy được tác dụng tích cực, tiếp nhận đơn và hòa giải hàng nghìn vụ việc. Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 98 Tổ tư vấn ở 18 quận, huyện và 80 xã, phường, thị trấn.

Thành lập được 98 Tổ tư vấn

Thực hiện Đề án của UBND thành phố Hà Nội về “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ” và Đề án “Phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, bình đẳng giới, kỹ năng cho phụ nữ; điển hình là mô hình Tổ tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em.

Nâng cao chất lượng mô hình Tổ tư vấn bảo vệ phụ nữ

Theo Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em được thành lập năm 2018 ở thành phố

Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em được thành lập năm 2018 ở thành phố. Tổ Tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em ở cấp huyện và cơ sở được thành lập từ năm 2018.

Báo cáo kết quả hoạt động mô hình Tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc, các vấn đề xã hội liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, bà Dương Thị Lý Anh - Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN Hà Nội cho biết, từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 504 đơn, trong đó, tư vấn trực tiếp 73 đơn thư, vụ việc, hướng dẫn Hội phụ nữ quận, huyện, cơ sở xác minh, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết hơn 400 đơn thư, vụ việc; trực tiếp hoặc hướng dẫn Hội LHPN các cấp lên tiếng 21 vụ việc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại.

Tính đến tháng 7/2024, các cấp Hội đã thành lập được 98 Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em với 885 thành viên tại 18 quận, huyện và 80 xã, phường, thị trấn. Hội LHPN các cấp hằng năm chủ động nắm bắt thông tin phản ánh các vụ việc tại cơ sở, tiếp nhận đơn thư gửi đến Hội trung bình 65 vụ việc/năm; cán bộ Hội và thành viên tổ Tư vấn tham gia hòa giải các vụ việc tại cơ sở 1912/1989 vụ việc.

Tăng cường phối hợp giữa chính quyền với đoàn thể

Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) được thành lập vào tháng 3/2019 với 9 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội LHPN phường là Tổ trưởng Tổ tư vấn.

Nâng cao chất lượng mô hình Tổ tư vấn bảo vệ phụ nữ

Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng Công Thị Tuyết Lan chia sẻ thực tế vận hành mô hình

Từ năm 2019 đến nay, Hội đã chủ trì phối hợp giải quyết, tuyên truyền 4 vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, vi phạm Luật Hôn nhân, chia tài sản sau ly hôn và quyền nuôi con, hòa giải tại cơ sở; phối hợp xác minh 2 vụ việc theo phản ánh về hành vi bạo hành trẻ em.

Bà Công Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng cho hay, từ thực tế vận hành mô hình, trong quá trình tuyên truyền, phòng, chống về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đối tượng mà Hội muốn tác động nhiều là nam giới nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ tiếp nhận. Bên cạnh đó, bà Lan cũng băn khoăn về hình thức xử phạt hành vi bạo lực gia đình bằng tiền.

Theo bà, với những người có điều kiện kinh tế thì phạt tiền cũng không có ý nghĩa giáo dục cao. Còn với trường hợp người nộp phạt không có thu nhập nên đôi khi nạn nhân phải đi nộp thay cho người có hành vi vi phạm. Như vậy cũng không thể giáo dục người vi phạm mà chỉ làm nạn nhân không còn muốn tố cáo hành vi bạo lực.

Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng đề xuất, cần tăng cường công tác phối hợp với chính quyền và các đoàn thể tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức sâu rộng hơn nữa tới cán bộ và Nhân dân về pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần duy trì, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ phụ nữ và pháp luật, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tủ sách pháp luật, tạo điều kiện để Nhân dân được tiếp cận hơn nữa với thông tin pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh thẳng thắn nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác nắm bắt, phát hiện các vụ việc xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em của tổ chức Hội có lúc vẫn chưa kịp thời. Có vụ việc, cơ sở chỉ biết sau khi cơ quan báo chí đã lên tiếng. Bên cạnh đó, việc theo dõi kết quả giải quyết các vụ việc đôi lúc chưa thực sự sát sao. Công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết các vấn đề, các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em đôi khi chưa chặt chẽ.

Đánh giá nhiều vụ việc xâm phạm quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em xuất phát từ nguyên nhân thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức hơn nữa tới cán bộ, hội viên, người dân về pháp luật và các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, thành viên các mô hình... để qua đó thực hiện tốt hơn nữa công tác nắm bắt và phối hợp giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tác giả: Ánh Dương