Lập pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27) đã xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống pháp luật nước ta là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận và đặc biệt là có tính “mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững”. Để đạt được mục tiêu đó, hoạt động lập pháp có ý nghĩa rất quan trọng, cần tiếp tục được đổi mới để hệ thống pháp luật thực sự là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của khoa học-công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Hoàn thiện luật pháp theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 21, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những tác động to lớn đến đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH) của các quốc gia trên thế giới. Việc mở đường cho các ĐMST vừa tạo ra sự thuận tiện cho người dân, vừa tạo ra những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra sự thuận tiện thì các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới này cũng đặt ra những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp. Chẳng hạn, việc kinh doanh dựa trên dữ liệu có liên quan đến bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; các mô hình công nghệ tài chính có liên quan đến bảo vệ an toàn tài chính quốc gia, quyền và lợi ích của người dân; các mô hình kinh doanh dựa trên kinh tế chia sẻ có liên quan đến bảo vệ lợi ích của người lao động, người tiêu dùng; việc công nhận tài sản ảo, tiền điện tử... có liên quan đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức... Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã sớm có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình để vừa thúc đẩy sự phát triển KHCN, tạo điều kiện cho ĐMST, vừa bảo vệ quyền và lợi ích của những đối tượng liên quan. 

Ở nước ta, Nghị quyết 27 đã đặt ra một số giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật với định hướng “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy ĐMST”. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của các nước và thực tiễn của Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, để thực hiện mục tiêu này trong thời gian tới, hoạt động lập pháp của Quốc hội cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau đây:

Thứ nhất, cần thực hiện việc kiểm tra, rà soát hệ thống pháp luật một cách thường xuyên, trong đó trọng tâm là phát hiện và bãi bỏ kịp thời những quy định chưa hợp lý, là điểm nghẽn đối với sự phát triển KT-XH nói chung và sự phát triển của KHCN nói riêng. Trong thời gian vừa qua, các bộ, ngành và cơ quan của Quốc hội cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát những quy định của pháp luật, trên cơ sở đó đã đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật có liên quan. Tác động của những hoạt động này rất đáng ghi nhận. Sau Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội vào tháng 1-2022, phản hồi của các doanh nghiệp đã cho thấy việc hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ các điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự góp phần quan trọng khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, rà soát để xóa bỏ các quy định bất hợp lý cần tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một nền kinh tế có quá nhiều quy định cũng sẽ tạo ra những gánh nặng, là rào cản đối với ĐMST. Việc cắt giảm những quy định mang tính rào cản sẽ là điều kiện cần thiết để thực hiện nguyên tắc “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, từ đó khơi dậy và thúc đẩy sức sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật không cấm. 

Trung tâm điều hành mạng lưới Viettel. Ảnh: NGỌC LINH

Thứ hai, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện pháp luật trong những lĩnh vực mới, có giá trị thúc đẩy ĐMST. Đây là những lĩnh vực cần có bước đi nhanh chóng để bắt kịp sự phát triển của KHCN. Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, các nước đã có bước tiến mạnh mẽ trong việc hoàn thiện các quy định về kinh doanh dữ liệu và bảo vệ bí mật đời tư của người dân. Năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định bảo vệ dữ liệu chung về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho tất cả các cá nhân trong EU và Khu vực kinh tế châu Âu. Tiếp đó, đến năm 2020, EU đã ban hành tiếp Luật Thị trường kỹ thuật số và Luật Về dịch vụ kỹ thuật số để quản lý các dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số. Ở Trung Quốc, Bộ luật Dân sự (năm 2020), Luật An ninh dữ liệu (năm 2021) và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (năm 2021)... được ban hành để vừa mở đường cho việc kinh doanh dựa trên dữ liệu, vừa bảo vệ được quyền, lợi ích của người dân. 

Qua kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, để đáp ứng được yêu cầu của những lĩnh vực mới, hoạt động lập pháp cần có bước đột phá, dựa trên tư duy mới về cách thức quản lý các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ĐMST. Theo đó, chủ trương hoàn thiện thể chế từng bước, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là hợp lý, có sự thống nhất cao thì ban hành thành luật là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực mới, có tính ĐMST cao thì lại cần nhanh chóng cho phép thí điểm, kịp thời tổng kết để sớm tạo điều kiện cho việc đưa các kết quả nghiên cứu, ĐMST vào cuộc sống. Thực tiễn cho thấy những ví dụ bước đầu về việc mạnh dạn cho thí điểm trong một số lĩnh vực đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Mới đây nhất là việc cho thí điểm dịch vụ Mobile Money (thanh toán di động) thực sự đã tạo điều kiện cho việc triển khai dịch vụ này trên thực tế. 

Ba cách tiếp cận trong việc hoàn thiện pháp luật 

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là những cách tiếp cận trong việc hoàn thiện pháp luật đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ĐMST. Theo đó, hiện nay trên thế giới có 3 cách tiếp cận cơ bản là: (1) chờ đợi và quan sát; (2) thử nghiệm và học hỏi; (3) thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Theo đó, chờ đợi và quan sát là hình thức các cơ quan nhà nước sẽ theo dõi và giám sát sự phát triển của công nghệ và chỉ can thiệp trong trường hợp thật cần thiết. Qua thời gian, việc nhận diện công nghệ ngày càng trở nên rõ ràng hơn và khi đó sẽ từng bước điều chỉnh pháp luật một cách phù hợp. Ví dụ Trung Quốc đã lựa chọn việc không can thiệp đối với công nghệ thanh toán qua điện thoại để các công ty như Alipay, Wechat... được triển khai dịch vụ từ năm 2013. Cho đến năm 2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đặt ra quy định điều chỉnh hoạt động thanh toán qua điện thoại. Thử nghiệm và học hỏi là cách thức mà cơ quan nhà nước sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để cho phép đưa vào thị trường những sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ĐMST kèm theo việc theo dõi, giám sát tăng cường và sau đó điều chỉnh hệ thống pháp luật tương ứng. Chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Kenya cho phép vận hành hệ thống chuyển tiền qua điện thoại M-Pesa với những điều kiện nhất định. Với biện pháp này, M-Pesa đã phát triển nhanh chóng và cho đến nay, với sự sửa đổi, bổ sung pháp luật phù hợp, M-Pesa đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế của Kenya với trên 93% dân số sử dụng. Còn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là khuôn khổ do cơ quan nhà nước xây dựng với những ngoại lệ trong áp dụng pháp luật để cho phép các doanh nghiệp được thử nghiệm những sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trước khi đưa ra thị trường trong quy mô không gian, thời gian được giới hạn nhằm giúp cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về tác dụng đích thực, rủi ro tiềm ẩn trước khi có việc điều chỉnh chính sách phù hợp.

Hiện nay, ở nước ta, theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2021 của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thì các cách thức tiếp cận đối với ĐMST ở nước ta vẫn chưa được xác định rõ ràng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát chưa được xây dựng theo đúng bản chất. Do vậy, đây là nội dung cần phải được nhanh chóng nghiên cứu, triển khai để bắt kịp với nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc thực hiện sản phẩm ĐMST. 

Phải đánh giá đúng tác động của các quy định

Thứ tư, việc ban hành những quy định mới cần được đánh giá kỹ lưỡng về sự cần thiết, những tác động tiềm tàng, bảo đảm tránh tiếp tục tạo ra những rào cản cho ĐMST. Hướng dẫn của EU về lập pháp thúc đẩy sáng tạo đã đặt ra một bộ câu hỏi để đánh giá về vấn đề này như: (1) Tình trạng của pháp luật hiện hành như thế nào? Có thực sự cản trở ĐMST hay không? (2) Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật vào thời điểm hiện tại đã hợp lý hay chưa? Câu hỏi này rất quan trọng bởi vì việc đặt ra những quy định quá sớm khiến các nhà lập pháp chưa hiểu rõ bản chất của các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhưng nếu quy định quá muộn thì có thể lợi ích của các đối tượng liên quan sẽ bị ảnh hưởng. (3) Liệu việc đặt ra những quy định pháp luật có phải là phương pháp tiếp cận đúng bởi bên cạnh giải pháp lập pháp còn có thể có những cách giải quyết khác để tác động đến ĐMST? (4) Phương pháp điều chỉnh nào là đúng đắn để thúc đẩy ĐMST, là phương pháp điều chỉnh truyền thống hay cho phép áp dụng các phương pháp linh hoạt hơn như điều chỉnh dựa trên kết quả hoặc tự điều chỉnh? (5) Nếu các quy định được ban hành thì sẽ có những tác động thế nào? 

Bên cạnh đó, trong quy trình lập pháp ở nhiều nước, một trong những yêu cầu cơ bản là cần phải đánh giá tác động của các quy định dựa trên đánh giá chi phí và lợi ích. Tuy nhiên, đối với lập pháp thúc đẩy ĐMST, việc phân tích dựa trên đánh giá chi phí và lợi ích là chưa đủ. Các hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gần đây đã đưa thêm những phương pháp đánh giá khác nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp mở rộng khả năng ĐMST của mình. Chẳng hạn, cách tiếp cận lập pháp dựa trên kết quả đặt ra yêu cầu các chủ thể phải đạt được những kết quả được xác định trước nhưng không quy định cụ thể về quy trình thực hiện, điều kiện khác để tạo không gian cho các chủ thể có những cách thức sáng tạo trong quá trình triển khai, giảm thiểu chi phí tuân thủ.  

Thứ năm, để theo kịp với tốc độ phát triển của KHCN, bản thân hoạt động lập pháp cũng cần có sự cải tiến, đổi mới. Trên thực tế, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã được ứng dụng khá rộng rãi trong hoạt động lập pháp của một số nước. Theo nghiên cứu của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) thì việc ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là trong sử dụng công nghệ thông tin để tăng cường sự tham gia của công chúng vào quy trình lập pháp, đóng góp ý kiến vào các dự thảo chính sách trong các đạo luật của Quốc hội. Bên cạnh đó, một số ứng dụng xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cũng đã được áp dụng để phân tích, đánh giá, hỗ trợ các nhà soạn thảo trong việc nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đó là những gợi mở để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội nước ta, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

TS HOÀNG MINH HIẾU

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Quốc hội khóa XV

 

Tags: Lập pháp
Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết