Làm rõ mô hình tổ chức hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các khâu đột phá được xác định tại Đại hội VI nhiệm kỳ 2023 – 2028 của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là tăng cường hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam.

Làm rõ mô hình tổ chức hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá

Nghiệp đoàn Nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: CĐN

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam là một trong 16 đơn vị do Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chỉ đạo trực tiếp.

Ông Trần Văn Luận – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tham luận tại Đại hội VI Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi

Ông Trần Văn Luận – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tham luận tại Đại hội VI Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi

Trao đổi tại Đại hội VI Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Trần Văn Luận - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cho biết, qua hơn 9 năm hình thành và phát triển, từ lúc thành lập thí điểm 2 Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở đầu tiên tại Quảng Ngãi, đến nay, cả nước đã thành lập 90 Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 18.000 đoàn viên và 5.239 tàu cá có công suất máy trên 90CV hoặc có chiều dài từ 15m trở lên. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã dần khẳng định được vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và lao động nghề cá trên biển, góp phần phát triển và xây dựng nghề cá Việt Nam từng bước hiện đại, ổn định, bền vững, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Giai đoạn 2018 – 2023, Nghiệp đoàn Nghề cá đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở; quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động; đồng hành và hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển; tạo sự liên kết chặt chẽ, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở vì lợi ích của đoàn viên, ngư dân, góp phẩn đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Bên cạnh đó, tổ chức ký kết Chương trình Phúc lợi đoàn viên với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông để hỗ trợ cung ứng nguyên, nhiên liệu phục vụ khai thác hải sản trên biển xa, hỗ trợ tàu thuyền ngư dân gặp nạn. Từ năm 2016 đến nay Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông đã phối hợp, tham gia thực hiện nhiệm vụ công ích phục vụ ngư dân cung ứng 1.556.321 lít dầu, 9.689 m3 nước ngọt, 128.665 tấn lương thực, thực phẩm, 252.976 cây đá; sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân miễn phí tiền công 133 tàu; cứu hộ ngư dân và 6 tàu thuyền bị nạn.

Nhiệm kỳ 2023 – 2028, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ tăng cường hoạt động nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam. Trong đó, tập trung củng cố tổ chức, tổng kết làm rõ mô hình tổ chức hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá, có đặc thù quan hệ lao động hoạt động trên biển; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở; quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động; đồng hành và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển; tạo sự liên kết chặt chẽ, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở vì lợi ích của đoàn viên, ngư dân, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Chủ động tham mưu với Đảng, nhà nước, Tổng liên đoàn và các cơ quan chức năng để tham gia xây dựng cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ nhiều nhất cho đoàn viên, ngư dân trực tiếp khai thác thủy sản trên biển xa. Tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Lượt xem: 7
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết