Lai Châu đứng đầu các tỉnh miền núi Tây Bắc về chỉ số PAPI

Năm 2023, tỉnh Lai Châu đạt 43,6223 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Article thumbnail
Người dân xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa của xã. Ảnh: Trần Tuấn

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố PAPI ở Việt Nam năm 2023. Tỉnh Lai Châu đạt 43,6223 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng trong top 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc; tăng 9 bậc so với năm 2022; tăng 12 bậc so với năm 2021 và tăng 36 bậc so với năm 2020.

Kết quả trên đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ các nội dung công tác quản trị và hành chính công, theo đó, các chỉ số thành phần về cơ bản đều tăng so với năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số chỉ số chưa đạt được mục tiêu đề ra và phải tiếp tục khắc phục trong năm 2024 như chỉ số “tham gia của người dân ở cơ sở” giảm 0,61 điểm so với năm 2022.

Để duy trì, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời cải thiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngày 7/5/2024, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch số 1685 về cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI năm 2024.

UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh; xác định, cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là cấp huyện và cấp xã;

Các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực hiện tốt yêu cầu; thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức xúc của Nhân dân, của tổ chức và cá nhân; đánh giá đúng thực trạng, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định chỉ số PAPI của đơn vị mình.

Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên nắm bắt, kịp thời phát hiện, đề xuất bổ sung những giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.

Mục tiêu của tỉnh Lai Châu trong năm 2024, đạt 43,6827 điểm, thứ hạng 15 - 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số PAPI.

Để đạt mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các hình thức phù hợp khác để người dân thuận lợi trong việc tra cứu và sử dụng thông tin theo quy định.

Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Công khai các quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và các dự án liên quan đến đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn; công khai và thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất, mức giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án.

UBND cấp huyện chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định; chỉ đạo kịp thời việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nâng cao chất lượng phục vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, chống phiền hà sách nhiễu trong lĩnh vực nhạy cảm.

Từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã, bệnh  viện tuyến huyện, bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, hiệu quả cao, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho Nhân dân.

Cải thiện chất lượng giáo dục các cấp học; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học cho các nhà trường, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; không để xảy ra các hoạt động tội phạm mới, giảm tội phạm do nguyên nhân xã hội.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa hối lộ để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Nâng cao chất lượng, đổi mới giao diện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận, cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến để tăng số lượng, tỷ lệ người dân truy cập, khai thác thông tin Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.

Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh; tạo điều kiện cho Nhân dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; được phản ánh, kiến nghị, tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của địa phương...