Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 khai mạc ngày 15/1, sẽ quyết 4 nội dung quan trọng

Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 khai mạc ngày 15/1, sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung quan trọng, trong đó có 2 dự án luật rất phức tạp, là Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Article thumbnail
Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV. Ảnh: P.Thắng

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 15/1, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 18/1. Quốc hội nghỉ 1 ngày (17/01) để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nội dung sau:

1. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

2. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

3. Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

4. Việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thông tin cụ thể về nội dung kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo luật trình tại kỳ họp 6 (tháng 10/2023).

Với những nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung.

Trong đó, các cơ quan đã chỉnh lý, hoàn thiện về: quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền; nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp; hoạt động lấn biển… cũng là các nội dung được chỉnh lý, hoàn thiện.

Với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, theo Tổng Thư ký Quốc hội, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo này trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều.

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo luật mới bỏ 4 điều, bổ sung 11 điều, giữ nguyên 15 điều và chỉnh lý kỹ thuật các điều khác. Trong đó đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung: Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, ban kiểm soát; kiểm toán độc lập; hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, kế toán...

Một số vấn đề lớn của dự thảo luật về dự phòng rủi ro; can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

8 chính sách đặc thù để gỡ khó cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự thảo nghị quyết thiết kế 8 cơ chế, chính sách đặc thù, gồm:

- Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm;

- Điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia;

- Ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất;

- Sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất;

- Quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất;

- Ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội;

- Cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

- Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân.