Kinh tế Việt Nam: Vượt sóng gió, nâng tầm vị thế

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, căng thẳng địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp tác động đến toàn cầu song nền kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua sóng gió, tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh.

Nhiều điểm sáng giữa bức tranh biến động

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây nên. Tuy nhiên, đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả Chính phủ cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Mặt khác, trong những tháng đầu năm 2022, căng thẳng địa chính trị thế giới leo thang khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina vẫn diễn biến phức tạp; Giá dầu, lạm phát tăng cao tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam: Vượt sóng gió, nâng tầm vị thế

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực. Điều đó đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Kết quả Chỉ số phục hồi COVID-19 mà Nikkei Asian Review công bố gần đây cũng trùng khớp với nhiều nhận định được các trang báo quốc tế uy tín phân tích, một lần nữa khẳng định nền kinh tế được giữ vững và duy trì đà tăng trưởng là kết quả của một quá trình kiểm soát tốt đại dịch của Việt Nam.

Việt Nam đã tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19, vươn lên ngang với Nhật Bản, Singapore, Canada và Italia, cho thấy những nỗ lực, hướng đi đúng trong chính sách chống dịch đã tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội, mang lại nhiều kết quả rõ nét. Sự phục hồi nhanh sau COVID-19 đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam: Vượt sóng gió, nâng tầm vị thế

Đường phố Hà Nội trong những ngày diễn ra SEA Games 31

Cùng với việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất thì việc hàn gắn những đứt gãy trong di chuyển, mở cửa du lịch cũng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của Việt Nam sau dịch bệnh. Minh chứng là doanh thu du lịch trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

Đồng thời, SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam lần này cũng là một cú hích cho sự phục hồi, phát triển của du lịch, kinh tế. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được truyền tải đến bạn bè, khách du lịch trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá sơ bộ của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) sau chuyến tham vấn thường niên của các chuyên gia hàng đầu trong tổ chức này đến Việt Nam mới đây thì nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ vào đầu năm 2022 nhờ chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tích cực; Nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với sản phẩm sản xuất của Việt Nam; Động lực từ nhu cầu nội địa và các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền bỉ.

Đặc biệt, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cũng vừa nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023.

Kinh tế Việt Nam qua những con số

Nhờ thực hiện nhất quán phương châm “sống chung an toàn với dịch COVID-19”, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc thích ứng tốt với bối cảnh mới đã thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Kinh tế Việt Nam: Vượt sóng gió, nâng tầm vị thế

Cột cờ Hà Nội

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 đạt con số 13.370. Đây là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước của các năm 2016 - 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 63.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký 437,7 nghìn lao động, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 6,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số tham gia thị trường 5 tháng đầu năm 2022 đạt 98,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20%. Mặt khác, nếu tính cả 1.684,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 22,1 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2.445,3 nghìn tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Việt Nam: Vượt sóng gió, nâng tầm vị thế

Một góc Thủ đô Hà Nội

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2022 tăng khá cao, đạt 10,4%, cao hơn tốc độ tăng 8,7% và 10,2% của cùng kỳ các năm 2018, 2019 (năm dịch COVID-19 chưa xuất hiện). Trong đó, chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tháng 5/2022 tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục tăng trưởng cao.

Cùng với đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 62,69 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó, xuất khẩu tăng 16,3%; Nhập khẩu tăng 14,9%.

Một minh chứng khác cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018 - 2022.

Ngoài ra, công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 20/5/2022, thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người với số tiền 1,7 tỷ đồng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm là rất đáng mừng, tạo niềm tin và nền tảng để tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Như vậy, có thể thấy rằng, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch. Tuy nhiên, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột tại Ukraina đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Lượt xem: 85
Tác giả: Văn Huy
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...