Không thể để quyền lợi bảo hiểm của người lao động bị xâm phạm kéo dài

Tại phiên họp ngày 8-11, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) dẫn số liệu thống kê: Tính đến cuối năm 2021, tổng tiền không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 10.555 tỷ đồng, tại 196.000 đơn vị, với hơn 2,8 triệu người lao động.

Hiện nay có 42/63 tỉnh đã thực hiện kiến nghị khởi tố với 382 vụ việc nhưng đến nay chỉ 7 vụ việc có bản án và thu hồi khoảng 1,9 tỷ đồng; 21 tỉnh chưa thực hiện việc kiến nghị, khởi tố.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre). Ảnh: danviet.vn

Thực ra, chuyện người sử dụng lao động trốn đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động không hề mới. Từ trước đến nay, đây luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội, bởi số người lao động bị xâm phạm lợi ích rất nhiều, với giá trị kinh tế rất lớn và để lại nhiều hệ lụy xã hội nặng nề. Trước những tác động tiêu cực quá lớn của các hành vi trốn đóng, gian lận, chậm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, đề xuất, ban hành và thực thi nhiều giải pháp. Nhưng dường như chừng ấy vẫn chưa đủ mạnh để xử lý rốt ráo vấn đề, cũng chưa đủ sức để răn đe đối tượng vi phạm. Chưa đủ mạnh không phải bởi chế tài chưa đủ nặng, mà bởi việc thực thi chế tài để đòi lại công bằng, lẽ phải cho người lao động trong những trường hợp này quá gian nan; thẳng thắn đánh giá là hiệu quả chưa cao. Con số 382 vụ việc có kiến nghị khởi tố trong tổng số 196.000 trường hợp vi phạm, nhưng chỉ 7 vụ việc có bản án đã nói lên điều đó.

Theo quy định của pháp luật, hành vi trốn đóng, gian dối, đóng không đầy đủ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc xử lý hình sự theo các điều: 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự. Để tháo gỡ khó khăn cho việc áp dụng luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, trong đó hướng dẫn, giải thích về từng hành vi vi phạm, những dấu hiệu tội phạm và chứng cứ chứng minh tội phạm rất kỹ càng, cụ thể và rõ ràng. Chẳng hạn, thế nào là trốn đóng, không đóng, đóng không đầy đủ; thế nào là gian dối để không đóng, đóng không đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Vậy, tại sao việc xử lý vi phạm vẫn có tỷ lệ thấp như vậy? Lý giải cho việc nhiều vụ bị đề nghị khởi tố nhưng không thể khởi tố được, các cơ quan chức năng cho biết, một trong những nguyên nhân là do chủ thể vi phạm chưa bị xử phạt hành chính. Như vậy, ngay cả việc xử phạt hành chính-vốn dễ dàng hơn rất nhiều việc truy tố bằng pháp luật hình sự-các hành vi vi phạm cũng chưa được thực thi nghiêm túc.

Có lẽ, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm chọn nội dung này để tiến hành giám sát chuyên đề, từ đó kiến nghị xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể chưa làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động; phát hiện những điểm bất cập, lỗ hổng trong quản lý và trong quy định của pháp luật để có giải pháp hoàn thiện thể chế. 

Thực trạng nhức nhối này không thể để kéo dài quá lâu như vậy!

CHIẾN THẮNG

Tags: bảo hiểm