Khi lì xì Tết cũng là… áp lực
Các khoản chi tiêu trong dịp lễ này vẫn luôn là nỗi lo của nhiều người. Bên cạnh những chi phí sắm Tết, làm đẹp,... những người đã đi làm còn phải dành một khoản riêng để lì xì đầu năm mới cho người thân. Với nhiều người trẻ, trong thời điểm giá cả tăng cao, tình hình lương, thưởng Tết giảm so với mọi năm, điều này đang vô tình trở thành áp lực đối với họ…
Tính toán kỹ càng
Tùy theo mức thu nhập, điều kiện kinh tế cũng như số lượng thành viên trong gia đình, mỗi người sẽ tiết kiệm một khoản tiền khác nhau cho việc lì xì. Đối với Hà Chi (26 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã đi làm nhiều năm nên cô dường như cũng quen thuộc với việc mình sẽ đi mừng tuổi người già, trẻ nhỏ trong nhà. Tuy nhiên, vì gia đình không có quá nhiều người nên mọi năm, cô thường dành khoảng 5 triệu cho việc này.
Đối với cô gái trẻ, lì xì đầu năm không phải thước đo để đánh giá tình cảm hay vật chất mà mang tính chất lấy may. Tuy nhiên, cô cũng không thể để mệnh giá quá thấp bởi như vậy trong lòng sẽ cảm thấy không thoải mái.
Hà Chi thường dành khoảng 5 triệu cho việc lì xì Tết |
“Thường mình sẽ lì xì bố mẹ mỗi người 500k, trẻ nhỏ trong họ hàng thì khoảng 100k - 200k. Ngoài ra, mình cũng chuẩn bị lì xì cho bạn bè nhưng đơn giản hơn, để đa dạng mệnh giá cho mọi người rút trong mức dự kiến là 1 - 1,5 triệu”, Hà Chi chia sẻ.
Còn đối với Bảo Huy (24 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại khác. Năm nay, chàng trai trẻ đi làm có thu nhập tốt hơn mọi năm cho nên cũng rất đắn đo suy nghĩ nên lì xì sao cho phù hợp.
“Với mình, khoản lì xì là một vấn đề khá nhạy cảm, mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên thường sẽ cân nhắc và hỏi bố mẹ xem nên để mức lì xì như thế nào là hợp lý. Năm nay mình dự tính sẽ dành khoảng 15 triệu bao gồm cả tiền biếu ông bà, bố mẹ và lì xì các cháu”, Bảo Huy nói.
Sở dĩ, chàng trai trẻ đặt ra mức cao như vậy là vì năm đầu tiên Bảo Huy có mức thu nhập cao, hơn nữa, đây cũng là dịp để Huy tri ân ông bà, bố mẹ. Dẫu vậy, điều khiến chàng trai 24 tuổi áp lực hơn đấy là gia đình rất đông con cháu.
Với nhiều người trẻ, trong thời điểm giá cả tăng cao, tình hình lương, thưởng Tết giảm so với mọi năm thì việc lì xì dịp Tết đang vô tình trở thành áp lực đối với họ… |
“Mình có tận… 30 cháu họ. Gia đình mình có truyền thống khi các con đã đi làm sẽ là người lì xì chính. Do đó mình cũng thấy hơi áp lực chuyện này. Mình dự tính sẽ mừng từ 50k - 200k tùy theo mức độ thân thiết cũng như độ tuổi của các cháu”, Bảo Huy chia sẻ.
Lì xì bao nhiêu là đủ?
So với những năm trước, Hà Chi thừa nhận năm nay cô cảm thấy áp lực hơn rất nhiều bởi tình hình lương, thưởng khá ảm đạm do cô mới thay đổi công việc. Cùng với đó là các khoản chi khác cuối năm cũng khiến cho ngân sách của Chi trở nên “hạn hẹp” hơn.
“Năm nay mọi thứ cái gì cũng tăng nhưng lương mình lại giảm. Có lẽ cũng là tình hình kinh tế chung nhưng điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu ngày Tết. Do vậy mình cũng rất khó khăn trong việc cân nhắc xem nên chi như thế nào để thuận tiện nhất.
Mình đồng ý rằng việc lì xì là câu chuyện tưởng đơn giản nhưng thực tế lại rất khó và rất nhạy cảm. Ai cũng nói không quan trọng nhưng tâm lý chung, mọi người cũng đều không muốn mừng tuổi người thân quá ít.
Có thể người nhận họ không đánh giá cũng không có suy nghĩ gì nhưng tự bản thân người đi mừng lại thấy áy náy. Đôi khi mình cảm giác lì xì ít quá lại không chân thành. Nhưng nếu không có đủ điều kiện kinh tế, chắc mình cũng sẽ cân nhắc giảm mức lì xì so với mọi năm. Dù hơi ngại nhưng cũng không còn cách nào khác”, Hà Chi bày tỏ.
Phải tính toán sao cho có một khoản lì xì Tết phù hợp và không mất lòng người khác là điều không dễ dàng đối với Bảo Huy |
Còn với Bảo Huy, chàng trai trẻ cho biết cũng có chung niềm lo lắng bởi thu nhập không phải năm nào cũng giống nhau. Năm nay mức lương và thưởng tốt, có thể sẵn sàng lì xì hào phóng nhưng nếu năm sau chỉ kiếm được một nửa, Bảo Huy cũng không biết nên làm thế nào.
“Nếu năm nay mình lì xì khoảng 100.000 nhưng năm sau chỉ 50.000 cũng mang đến cảm giác không ổn. Hay trường hợp tệ hơn, năm sau mình thất nghiệp, việc duy trì và biếu tặng quà Tết như năm nay sẽ trở nên rất khó khăn. Do vậy, phải tính toán sao cho phù hợp và không mất lòng người khác là điều không dễ dàng. Vấn đề chi tiêu Tết năm nay mình cũng cân nhắc khá kỹ càng để không tạo ra gánh nặng cho năm sau”, Bảo Huy nói.
Giống như Hà Chi và Bảo Huy, nhiều người trẻ khác cũng cho rằng Tết là khoảng thời gian minh chứng một năm qua mình đã sống tốt như thế nào thông qua chuyện quà cáp, biếu tặng. Dù đôi khi điều này không thực sự có ý nghĩa nhưng đặt vào bối cảnh chung, rất khó để tách rời khỏi quan điểm phổ biến của xã hội.
Đối với họ, dù bão giá, lương giảm hay không có thưởng Tết thì quan trọng nhất vẫn là cách thích nghi của từng người. Việc ứng biến sao cho phù hợp với túi tiền và khéo léo trong các mối quan hệ vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của không ít người trẻ trong ngày Tết.