Khánh thành 2 tuyến cao tốc ở Khánh Hoà, Bình Thuận

Hai công trình khánh thành sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn đến TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 18-6, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận tổ chức khánh thành 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Khánh thành 2 tuyến cao tốc ở Khánh Hoà, Bình Thuận - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khánh thành tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Kỳ Nam

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam Phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km. Trong đó có 8 dự án thành phần dài 477 km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư dài 177 km.

Hiện nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án thành phần dài 425 km, trong đó 2 dự án khánh thành là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km, khởi công năm 2020, được đầu tư công; Dự án Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, khởi công năm 2021, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Khánh thành 2 tuyến cao tốc ở Khánh Hoà, Bình Thuận - Ảnh 2.

Lễ khánh thành tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại điểm cầu Bình Thuận

Khánh thành 2 tuyến cao tốc ở Khánh Hoà, Bình Thuận - Ảnh 3.

Đoạn đầu cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 bài học kinh nghiệm quan trọng, quý báu, từ đó quyết tâm hoàn thành bằng được tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Thủ tướng cũng hoan nghênh và đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án cao tốc Nha Trang – Liên Khương (Lâm Đồng) theo hình thức PPP; Bộ GTVT và các cơ quan liên quan hỗ trợ tỉnh; lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ theo pháp luật nhưng chú ý đến các nhà đầu tư có uy tín, hiệu quả.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai Dự án để làm bài học cho các dự án sau này. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam vào khai thác đúng tiến độ; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các Dự án cao tốc trục Đông - Tây, các Dự án Vành đai đô thị tại TP HCM và Hà Nội, các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP.

Khánh thành 2 tuyến cao tốc ở Khánh Hoà, Bình Thuận - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cắt băng khánh thành tuyến cao tốc

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình, người dân nhường mặt bằng cho dự án; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với đề xuất của tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải về đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc khác, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật

Như vậy, việc hoàn thành 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km.

Tính từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng là 1.729 km.

Hai công trình khánh thành hôm nay góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Những nút giao nào phương tiện vào được 2 tuyến cao tốc?

Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 4 nút giao liên thông gồm: nút giao QL27C tại Km5+783 (đầu tuyến, kết nối với QL1 thông qua QL27C); nút giao Suối Dầu tại Km15 kết nối với QL1 và TL3; nút giao Cam Lâm tại Km30 kết nối với QL1 và nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với QL1 thông qua QL27B (cách điểm cuối tuyến khoảng 1,1km).

Dự án có điểm đầu (Km5+783 trùng với điểm cuối Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang), thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối (Km54+00 trùng với điểm đầu Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo), thuộc xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

Giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn phân kỳ có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe.

Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 5 nút giao liên thông gồm: Nút giao Vĩnh Hảo tại Km134+700, Nút giao Chợ Lầu tại Km162+777,78, nút giao Đại Ninh tại Km178+655,22, nút giao Ma Lâm tại Km208+701,74, nút giao Phan Thiết tại Km234+617,56.

Dự án có điểm đầu tại Km134+00, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận kết nối với Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Điểm cuối tại Km235+00, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận kết nối với Dự án thành phần đoạn Dầu Giây - Phan Thiết.

Giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe.

Lượt xem: 6
Tác giả: Kỳ Nam - Châu Tỉnh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...