Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV
Trong ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 5, Quốc hội hôm nay 22-5 dự kiến họp riêng về công tác nhân sự
Hôm nay 22-5, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra trong 22 ngày, chia ra 2 đợt làm việc.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, gồm có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV
Quốc hội cũng xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết, trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến đối với 9 dự án luật; xem xét các báo cáo quan trọng; xem xét công tác nhân sự và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong ngày làm việc đầu tiên 22-5, sau phiên trù bị và phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp sẽ được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày ngay sau đó. Chiều cùng ngày, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết khối lượng công tác lập pháp tại kỳ họp này rất lớn, có thể nói gấp đôi khối lượng lập pháp của các kỳ họp thường lệ.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho rằng tình hình kinh tế - xã hội trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp phù hợp thời gian tới
Theo đại biểu Trần Văn Khải, các nhiệm vụ lập pháp được đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này là rất đúng đắn, kịp thời nhằm kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc với mục tiêu để kiến tạo, phát triển và đồng hành cùng Chính phủ.
Đối với nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội, ông Trần Văn Khải nhấn mạnh đây là một nội dung quan trọng, được cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. "Tình hình kinh tế - xã hội đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp phù hợp thời gian tới"- ông Khải nói.
Vị đại biểu Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau đều rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, đình hoãn sản xuất dẫn đến người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Không ít doanh nghiệp đã phải sử dụng những đồng tiền cuối cùng để trang trải và trả lãi suất cao.
Từ thực tế đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, vướng mắc cho cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác giám sát tại kỳ họp được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Sau kỳ họp, Quốc hội sẽ có một Nghị quyết về nội dung giám sát tối cao về "việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".
Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ phác thảo ra bức tranh tổng thể về kết quả huy động, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm cả ngân sách nhà nước tại trung ương, ngân sách nhà nước tại các địa phương, nguồn viện trợ.
Đại biểu Trần Văn Khải kỳ vọng Nghị quyết của Quốc hội về nội dung giám sát tối cao này với chất lượng cao nhất, tường minh nhất, làm rõ được thực trạng, đánh giá được kết quả, tồn tại, yếu kém, phân tích đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu các cơ quan đơn vị có liên quan. Từ đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý, những giải pháp kịp thời để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh khó lường hiện nay.