Khắc phục biểu hiện “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội

Sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (Nghị quyết 847), chúng tôi có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Bày tỏ tâm đắc với các nội dung Nghị quyết 847 đề cập, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự nhiều về tình đồng chí, đồng đội và cần chống những biểu hiện “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội, coi trọng “mệnh lệnh không lời”, bởi tình đồng chí, đoàn kết keo sơn là nét văn hóa đặc trưng, rất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. 

Phóng viên (PV): Gần 40 năm làm lãnh đạo, chỉ huy các cấp, từng là Chính ủy Quân khu 3 trước khi về công tác tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, đồng chí tâm đắc nhất điều gì khi nghiên cứu Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc Quân ủy Trung ương ban hành nghị quyết về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới là rất ý nghĩa và hết sức cần thiết. Nếu cán bộ, chiến sĩ ghi nhớ và tự giác phấn đấu thực hiện đầy đủ 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và tránh 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Nghị quyết 847 đã nêu thì thực sự xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cao quý.

Tuy nhiên, điều tôi đặc biệt tâm đắc, thấm thía là Nghị quyết 847 nhiều lần đề cập tới tình đồng chí, đồng đội, cả trực tiếp và gián tiếp trong những đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cần phải tiếp tục gìn giữ, phát huy và các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân cần phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, cũng như quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện nghị quyết này.

Rõ nhất là ở đặc trưng thứ 5: “Chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt...”; đồng thời phải chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: Háo danh, tự cao tự đại, thích được ca ngợi, sùng bái bản thân, độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, coi thường tập thể; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chỉ huy; quan liêu, thiếu sâu sát hay thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội...

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng. 

PV: Vì sao việc chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội lại khiến đồng chí tâm đắc, thấm thía nhất?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, đây chính là nét đặc trưng nhất, điểm căn bản khác biệt của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam với quân đội các nước tư bản, tạo nên sức mạnh đoàn kết vô địch của Quân đội ta, đồng thời đó cũng là phẩm chất cốt lõi của Bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân vô cùng quý trọng.

Từ xưa, ông cha ta đã có truyền thống “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để tạo sức mạnh đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã kế tục xứng đáng và không ngừng phát huy truyền thống cao đẹp đó. Thực tế cho thấy, người dân nói đến QĐND Việt Nam là nói đến tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, sự đoàn kết, thống nhất vạn người như một để vượt qua mọi gian khổ, thách thức, hiểm nguy... Vì thế, rất nhiều người Việt Nam thuộc và thích bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, đã được nhạc sĩ Minh Quốc phổ nhạc thành bài hát “Tình đồng chí”. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về Bộ đội Cụ Hồ với những câu thơ vô cùng xúc động, sống mãi với thời gian.

Theo chủ quan của tôi, tình đồng chí, đồng đội keo sơn không chỉ là yếu tố cơ bản nhất tạo sự đoàn kết, thống nhất một lòng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, mà suy cho cùng đó chính là yếu tố sâu xa, căn cốt quyết định các phẩm chất, đặc trưng khác của Bộ đội Cụ Hồ, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta, quyết định cả hiệu quả đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Tôi nghĩ, chỉ có tình đồng chí, đồng đội thực sự chân thành thì chúng ta mới góp ý, phê bình, giúp nhau cùng tiến bộ được. Ngược lại, nếu người cán bộ nào không coi trọng tình đồng chí, đồng đội, xa rời nét văn hóa đặc trưng, rất cao đẹp đó của Bộ đội Cụ Hồ thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể quản lý, chỉ huy đơn vị tốt, khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó, chúng ta cần phải chú ý phê phán, đấu tranh với những biểu hiện vì cái tôi cá nhân, thậm chí chỉ vì thích oai mà dẫn đến độc đoán, quân phiệt, nguyên nhân gây mất đoàn kết; đặc biệt là hiện tượng “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội vẫn khá phổ biến hiện nay, chủ yếu ở cán bộ cấp phân đội.    

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra sản phẩm và trao đổi với cán bộ, nhân viên Nhà máy Z115. Ảnh: VĂN TRUNG 

PV: Độc đoán, quân phiệt là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, là kẻ thù của tình đồng chí, đồng đội nên phải kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa thì ai cũng rõ. Còn những biểu hiện của “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội là gì, ảnh hưởng thế nào tới phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ? Đồng chí có thể nêu vài ví dụ?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Độc đoán, quân phiệt thì ít cán bộ mắc phải, nhưng “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội thì không ít, có người còn coi đó là “bệnh nghề nghiệp của sĩ quan, chỉ huy”. Ví dụ thì rất nhiều, chẳng hạn như lúc nói chuyện bình thường với chiến sĩ, với nhân viên cũng bằng giọng bề trên, gắt gỏng, không hài lòng là quát tháo; phân công những nhiệm vụ không phải công tác quân sự, hay phát biểu chỉ đạo khi dự sinh hoạt của các tổ chức quần chúng, thậm chí khi nhờ cấp dưới việc gì cũng dùng câu từ như ra lệnh; xưng hô không đúng điều lệnh và thiếu tôn trọng cấp dưới; ít quan tâm tìm hiểu tâm tư, giáo dục, động viên, thuyết phục nhân viên, chiến sĩ mà hơi tí là cáu, là phạt...

Tuy “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội không nguy hại như độc đoán, quân phiệt, nhưng nó cũng là nguyên nhân dẫn đến trên-dưới thiếu gần gũi, khó có tình cảm gắn bó, xa hơn là mất dân chủ khiến nhân viên, chiến sĩ ngại góp ý với người lãnh đạo, chỉ huy và giảm yêu mến đơn vị..., thậm chí còn dẫn đến suy nghĩ tiêu cực vì căng thẳng, áp lực, cảm thấy cấp trên không tin tưởng mình.

Tình cảm không mật thiết thì rõ ràng ảnh hưởng tới sự đoàn kết, thống nhất, một trong những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời làm suy giảm sức mạnh và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều khi vi phạm kỷ luật cũng nảy sinh từ đây. Đối với cán bộ, kỹ sư, công nhân như ở Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chúng tôi thì giảm sức sáng tạo, sự nhiệt tình lao động, sản xuất của anh em...  

PV: Vậy theo đồng chí, cần làm gì để khắc phục biểu hiện “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội, tăng cường tình đồng chí, đồng đội?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, trước hết cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần phải quán triệt thật sâu sắc vị trí, ý nghĩa, sự cần thiết phải thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương; đặc biệt là nhận rõ giá trị vô cùng thiêng liêng cao quý của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nói chung, của tình đồng chí, đồng đội nói riêng.

Chúng ta đều biết kỷ luật là sức mạnh của quân đội và tính chất nhiệm vụ của quân đội đòi hỏi sự thống nhất tuyệt đối, rất khẩn trương, nhiều áp lực, nhất là trong chiến đấu. Nếu người lãnh đạo, chỉ huy không nghiêm lệnh, không có kỷ luật thép thì đơn vị khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng phải sử dụng mệnh lệnh đúng lúc, đúng chỗ, bảo đảm phù hợp, hiệu quả chứ không nên lạm dụng mệnh lệnh, chỉ thích ra lệnh, thích thể hiện mình oai. Như thế rất dễ dẫn đến độc đoán, quân phiệt, háo danh, tự cao tự đại, sùng bái bản thân, coi thường tập thể-là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nguyên nhân gây mất đoàn kết, tổn hại tình đồng chí, đồng đội, trái với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Điều mà mỗi người cán bộ từ cấp tiểu đội trở lên rất cần ghi nhớ là tình đồng chí, đồng đội vô cùng thiêng liêng, cao quý, nhất là mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn hoặc khi rời quân ngũ rồi càng thấm thía giá trị, ý nghĩa của tình đồng chí, đồng đội. Vì thế chúng ta đối xử với nhau, với cấp dưới sao cho đúng quy định của điều lệnh và thực sự văn hóa, tôn trọng, chân thành. Đặc biệt, cấp trên phải hết sức chú trọng “mệnh lệnh không lời” để cấp dưới tâm phục, khẩu phục. Nếu cứ dùng mệnh lệnh áp đặt trong mọi trường hợp thì rất sai lầm, thậm chí phản tác dụng.  

Tuy nhiên, do đặc thù công việc và áp lực nhiệm vụ nên nhiều khi bản thân người cán bộ không nhận ra mình mắc bệnh “mệnh lệnh hóa” trong quản lý, chỉ huy đơn vị. Vì vậy, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ. Bên cạnh đó, từng đảng viên, nhân viên, chiến sĩ và các tổ chức quần chúng như công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên phải đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, mạnh dạn và chân thành góp ý nếu người lãnh đạo, chỉ huy có biểu hiện “mệnh lệnh hóa”. Nếu chúng ta không góp ý thì cấp trên không biết sai để sửa, dẫn đến bệnh này ngày càng nặng hơn, như thế là chúng ta cũng mắc khuyết điểm ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, đoàn kết xuôi chiều... mà Nghị quyết 847 đã chỉ ra.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

"Cán bộ, sĩ quan quân đội rất cần sự nghiêm khắc, chặt chẽ trong xử lý công việc và rèn luyện cấp dưới, nhưng nóng tính, “mệnh lệnh hóa” trong quản lý bộ đội thì không nên. Tuy nhiên, thực tế có những đồng chí sinh ra đã có tính cách, khí chất nóng, dù bản thân có ý thức điều chỉnh vẫn khó tránh hết được tình huống gắt gỏng. Song, nếu nóng tính mà thật lòng thương yêu cấp dưới, vì công việc chung thì anh em cũng dễ thông cảm. Điều quan trọng nhất để giữ tình cảm đồng chí, đồng đội là sự chân thành, vì sự tiến bộ của anh em và tập thể, tránh các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân..."-Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng.

HUY QUANG (thực hiện)

Tags: qdnd
Lượt xem: 144