Hôm nay (28-11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, chiều nay (28-11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

 

Chương trình làm việc cụ thể chiều nay, thứ ba, ngày 28-11-2023:

Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

 

* Thứ hai, ngày 27-11-2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Buổi sáng

1. Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Kết quả như sau: Có 468 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội); có 431 đại biểu tán thành (bằng 87,25% tổng số đại biểu Quốc hội); có 21 đại biểu không tán thành (bằng 4,25% tổng số đại biểu Quốc hội); có 16 đại biểu không biểu quyết (bằng 3,24% tổng số đại biểu Quốc hội).

Một phiên họp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu. Ảnh: VPQH 

2. Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Kết quả như sau: Có 468 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội); có 423 đại biểu tán thành (bằng 85,63% tổng số đại biểu Quốc hội); có 34 đại biểu không tán thành (bằng 6,88% tổng số đại biểu Quốc hội); có 11 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,23% tổng số đại biểu Quốc hội).

3. Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên thảo luận đã có 28 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 6 lượt đại biểu tranh luận; ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; mô hình tổ chức chính quyền đô thị; quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; các quy định về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các quy định về liên kết, phát triển vùng Thủ đô; việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Thủ đô; việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm; phát triển nhà ở; cho vay dư nợ; huy động nguồn lực tài chính, ngân sách và nguồn lực phát triển Thủ đô; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển văn hóa…

Đối với các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo và phát biểu thêm một số nội dung cụ thể.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung này tại thảo luận tổ và hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để bổ sung kết luận của Quốc hội về nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, trình Quốc hội thông qua theo hướng tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các Nghị quyết Quốc hội, phát huy tốt nhất các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã dành cho các địa phương.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều

1. Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Kết quả như sau: Có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,55% tổng số đại biểu Quốc hội); có 468 đại biểu tán thành (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,61% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

2. Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 22 lượt đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Lưu trữ và nhiều nội dung của dự thảo luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo luật; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; phông lưu trữ Nhà nước, lưu trữ lịch sử, lưu trữ cơ quan; quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt; quản lý tài liệu lưu trữ tư; việc xác định giá trị tài liệu; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; hủy tài liệu hết giá trị; giải mật tài liệu lưu trữ; tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện; tài liệu lưu trữ dự phòng; hình thức, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; hoạt động nghiệp vụ lưu trữ; các quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ; các quy định về hoạt động lưu trữ tư; phí và lệ phí khi sử dụng tài liệu lưu trữ; nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử; tiêu chuẩn người hành nghề lưu trữ; chứng chỉ hành nghề lưu trữ; kỹ thuật xây dựng văn bản; áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

CHUNG VIỆT

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...