Học tập Bác tinh thần cầu thị tiến bộ để phục vụ được tốt hơn

“Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình” - một lời dạy về ý thức phục vụ, tinh thần cầu thị tiến bộ đối với những người làm sách, xuất bản quân sự, phản ánh sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phẩm chất không thể thiếu trong tiêu chuẩn của cán bộ, nhân viên làm công tác xuất bản trong quân đội; một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa xuất bản quân sự, đó là tinh thần phục vụ và cầu thị tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đức tính cầu thị tiến bộ, tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình trong học tập, công tác, tu dưỡng bản thân. Chính nhờ tinh thần cầu thị tiến bộ, với lòng yêu nước thiết tha, tài năng và tính ham học hỏi, hiểu biết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để vạch ra con đường cứu nước đúng đắn. Sau này, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc học tập, tiếp thu ý kiến đóng góp phê bình là phương châm sống để nuôi dưỡng trí tuệ, bản lĩnh và phong cách lãnh đạo của Người.

Tư tưởng của người về đức tính cầu thị tiến bộ trong học tập, công tác bắt nguồn từ sự ham học hỏi, ham hiểu biết, khát vọng hoàn thiện bản thân để trở thành người có ích cho xã hội và phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Chính vì vậy, khi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xin ý kiến Người về bản thảo cuốn sách “Vì nước vì dân” tập 1 (năm 1968); Người đã căn dặn: “Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình”. Từ nay trở đi trên sách hay trên báo, các chú nên luôn có câu đó”. Người viết: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, Nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”.

Một chương trình giao lưu chào mừng ngày sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức.

Theo lời Bác dạy, sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân luôn có dòng chữ “Nhà xuất bản mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình” ở đầu sách. Với cán bộ, biên tập viên, nhân viên, người lao động của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, lời Bác Hồ dạy trở thành phẩm chất không thể thiếu trong tiêu chuẩn người lính xuất bản; một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa xuất bản quân sự đó là “Tinh thần cầu thị tiến bộ!”.      

Xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội,… đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân. Đối tượng phục vụ của xuất bản là phục vụ bạn đọc, phục vụ nhân dân, góp phần tuyên truyền, định hướng nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong hoạt động xuất bản, bạn đọc là mục tiêu hướng tới, là đối tượng phục vụ; là người kiểm nghiệm chất lượng của xuất bản phẩm, đồng thời là người đồng hành tin cậy, là kênh thông tin có giá trị thiết thực góp phần định hướng hoạt động của nhà xuất bản. Do vậy, việc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình thẳng thắn, chân tình của bạn đọc là yêu cầu cần thiết để hoạt động xuất bản giữ đúng định hướng chính trị, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu văn hóa đọc của bạn đọc và nhân dân.

 

Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp các thế hệ cán bộ, biên tập viên, nhân viên, người lao động Nhà xuất bản Quân đội nhân dân luôn cầu thị, học hỏi, luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí đồng đội để không ngừng tiến bộ; không tự mãn với những kết quả đạt được, không né tránh những hạn chế, khuyết điểm; luôn biết tự học tập nâng cao trình độ bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt là luôn luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình của bạn đọc - đối tượng phục vụ của nhà xuất bản.

 

Trong những năm qua, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã thông qua rất nhiều hình thức khác nhau để có thể lắng nghe, tiếp thu được nhiều nhất những “ý kiến thông minh” của bạn đọc để cải tiến nâng cao chất lượng xuất bản. Thực hiện phương châm “hướng về cơ sở”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức gặp gỡ cộng tác viên toàn quân; tổ chức trại sáng tác; tham gia triển lãm, hội chợ, ngày sách do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; tổ chức gặp mặt các nhà văn, các tác giả có tác phẩm xuất bản đoạt giải, các tác giả có tác phẩm tiêu biểu; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo… Qua đó, một mặt quảng bá hình ảnh, vị thế Nhà xuất bản, mặt khác đó cũng là kênh thông tin rất quan trọng để nắm bắt nhu cầu, những phản hồi, những ý kiến góp ý, phê bình của độc giả. Việc chủ động tạo ra các diễn đàn, các kênh khác nhau để lắng nghe bạn đọc “góp ý kiến, phê bình”, điều đó thể hiện một cách rõ nhất, trung thực nhất tinh thần cầu thị tiến bộ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Qua nghiên cứu, học tập lời dạy “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình” của Bác cho chúng ta thấy, đó không phải là một sự ngẫu hứng khi đọc một cuốn sách, mà nó xuất phát từ tinh hoa trí tuệ, từ sự mẫn cảm chính trị và là sự đúc rút từ kết quả hoạt động thực tiễn cách mạng của Người. Ở đó có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, phản ánh một tấm gương mẫu mực về tinh thần phục vụ và cầu thị tiến bộ của Hồ Chí Minh. Do đó, ý nghĩa, giá trị của lời dạy “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình” không chỉ vận dụng trong lĩnh vực xuất bản mà có thể vận dụng trong tất cả mọi lĩnh vực, ở tất cả các cấp các ngành, ở bất cứ nhiệm vụ gì, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào,… Bởi khi nào các cấp, các ngành, các lĩnh vực thực hiện tốt tinh cầu thị tiến bộ để phục vụ được tốt hơn thì khi đó công việc sẽ nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn; khi đó quan hệ đồng chí đồng nghiệp, quan hệ giữa cá nhân và tổ chức, rộng hơn là quan hệ giữa con người với con người sẽ trở nên thân thiện hơn, nhân ái hơn.

Với riêng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, cùng với Sắc lệnh số 121/SL ngày 11-7-1950 và Lệnh số 86/LCT ngày 3-6-1969, lời dạy của Bác “Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình” đã trở thành di sản vô giá, đã, đang và sẽ được lớp lớp các thế hệ cán bộ, biên tập viên, nhân viên, chiến sĩ, người lao động gìn giữ, trân trọng, học tập và noi theo.

Sự nghiệp xây dựng Quân đội nói chung, nhiệm vụ xuất bản quân sự nói riêng đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với việc hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người quân nhân cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xác định, cùng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo lời dạy “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình” là một trong những giải pháp quan trọng để Nhà xuất bản vượt qua những khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ mà được giao. Nó đòi hỏi mỗi cán bộ, biên tập viên, chiến sĩ, người lao động của Nhà xuất bản phải luôn đề cao tinh thần phục vụ, biết khiêm tốn, cầu thị, ham học hỏi, không kiêu ngạo, không giấu dốt; thực hiện cho được: “Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ, đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm. Đối với đồng chí mình… học cái hay, sửa chữa cái dở…” (1).

Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì những ý kiến góp ý phê bình cũng rất nhiều chiều. Vì vậy, cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận tránh để kẻ xấu lợi dụng góp ý kiến để chống phá dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong hoạt động xuất bản.

NGUYỄN MẠNH HÀ


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. 68.