Hoá giải áp lực lạm phát

Áp lực lạm phát đang tạo thách thức lớn cho cơ quan điều hành cũng như lên chính "túi tiền" của người dân.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần những giải pháp quyết liệt trong điều hành giá xăng, dầu; ưu tiên cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu; giãn thời gian điều chỉnh tăng học phí... nhằm hoàn thành mục tiêu giữ lạm phát khoảng 4% trong năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Hương. 

CPI chịu tác động mạnh từ giá xăng, dầu

Phóng viên (PV): Bức tranh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng có những nét gì nổi bật, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trong nửa đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng lên; nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới CPI trong nửa đầu năm 2022?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng, dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5RON92 tăng 11.540 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng, dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

PV: Áp lực lạm phát của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 sẽ đến từ những yếu tố nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng, dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động, linh hoạt, nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Người dân mua xăng tại cửa hàng của Công ty xăng dầu Hà Giang. Ảnh: MINH ĐỨC 

Cần chấp nhận khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn

PV: Giá xăng, dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tăng lạm phát. Đâu là giải pháp để kiềm chế giá xăng, dầu trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Hương: Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng, dầu tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác. Để ổn định giá xăng, dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép, trước tiên cần nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng, dầu trong nước. Cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trong nước.

Ngoài ra, cần xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng, dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Hiện nay, xăng, dầu đang phải chịu 4 loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Có thể thấy xăng, dầu đang phải chịu quá nhiều loại thuế, cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp. Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện giảm thuế như Hà Lan đã giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần; Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng... Như vậy, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Thêm một giải pháp nữa đó là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung; tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng, dầu.

PV: Theo bà, ngoài giá xăng, dầu thì đâu là giải pháp tổng quát để kiểm soát được lạm phát dưới 4%?

Bà Nguyễn Thị Hương: Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, chúng tôi đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt, thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Tổng cục Thống kê cũng đề xuất nên giãn việc tăng học phí. Không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

KHÁNH AN (ghi)

Tags: qdnd
Lượt xem: 69
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết