Hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều bà con ở vùng sâu, vùng xa đã được mở lối, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng đất khó.
Giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống và thoát nghèo
Tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ là người bạn đồng hành của đồng bào các DTTS mà còn là bệ đỡ giúp chính quyền các địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, nâng cao dần mức sống của đồng bào các dân tộc, trong những năm đổi mới vừa qua và nhất là giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đối với đồng bào DTTS một cách đồng bộ và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Cụ thể, Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo, phát triển sản xuất trong nông - lâm nghiệp - thủy sản; giáo dục - đào tạo, văn hóa nhằm giải quyết khó khăn của hộ nghèo ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, như: Chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người DTTS nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người DTTS di cư tự phát, phát triển kinh tế - xã hội cho các DTTS rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các DTTS, người có uy tín trong đồng bào DTTS; tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật… và một trong những chủ trương, chính sách đó là hỗ trợ nguồn vốn TDCSXH xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của NHCSXH, gần 20 năm qua, TDCS góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động. Đồng thời, trên 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như trên 216 nghìn căn nhà ở cho hộ đồng bào.
Hiện nay, nguồn vốn TDCS xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Vốn cho vay hộ nghèo DTTS những năm qua chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tại huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào DTTS từng bước quen dần với cơ chế thị trường.
Mặt khác, hộ đồng bào DTTS ở vùng khó khăn đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. TDCS do NHCSXH thực hiện còn là một trong những biện pháp quan trọng giảm tình trạng tín dụng “đen” ở vùng DTTS.
Đặc biệt, các chương trình cho vay đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Khả năng sử dụng vốn hiệu quả
Theo thống kê của NHCSXH, hiện nay có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình TDCS với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 39,3 triệu đồng, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của NHCSXH, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.
Quy mô dư nợ đối với đồng bào DTTS tăng trưởng ấn tượng thể hiện nguồn vốn tín dụng được đưa tới tay hộ DTTS nghèo ngày càng nhiều trong cả nước. Qua đó, giúp đồng bào phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương để từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. Mặc dù quy mô tín dụng tăng, nhưng chất lượng tín dụng vẫn được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, luôn duy trì ở mức dưới 2%. Điều đó cho thấy khả năng sử dụng vốn của đồng bào DTTS tương đối hiệu quả, vốn vay luôn được hoàn trả đúng hạn.
Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất và là “lõi nghèo của cả nước”.
Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm với các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn mới, TDCS xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.
Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, NHCSXH kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều chính sách giúp đồng bào DTTS phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương mình để từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, NHCSXH cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ DTTS trên địa bàn. Chỉ đạo gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình TDCS xã hội với mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động TDCS xã hội, tập trung tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội, có các chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cho các đơn vị tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.