Hệ thống cao tốc liên vùng Đông Nam Bộ dần rõ nét
Để tăng cường hơn nữa việc khai thác tiềm năng vùng Đông Nam Bộ, Chính phủ và các địa phương trong vùng đã và đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông huyết mạch tại đây.
Một mạng lưới đường giao thông liên kết vùng đang và sắp thành hình, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Nỗ lực bảo đảm tiến độ
Những ngày cuối tháng 4-2024, phóng viên Báo Hànộimới đã có chuyến khảo sát dọc 2 tuyến cao tốc huyết mạch tại vùng Đông Nam Bộ đang được khẩn trương triển khai là tuyến Bến Lức (tỉnh Long An) - Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cao tốc Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trên cao tốc Bến Lức - Long Thành, các nhà thầu đang khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào tháng 9-2025. Đây là tuyến cao tốc huyết mạch nối Đồng bằng sông Cửu Long với Cảng Hàng không quốc tế (sân bay Long Thành) và cụm cảng biển lớn nhất cả nước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi dự án đưa vào khai thác, hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng Tây Nam Bộ không còn phải đi xuyên qua thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.
Theo Ban Quản lý đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 57,8km, đi qua tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng. Tính đến tháng 4-2024, toàn tuyến đã hoàn thành hơn 80% tổng khối lượng xây lắp.
Trên công trường cao tốc, đoạn thuộc gói thầu A6.1, nhà thầu huy động hơn 50 thiết bị, máy móc, cùng công nhân đang làm việc khẩn trương 3 ca. Giám đốc Ban Điều hành gói thầu A6.1 Vũ Tuấn Anh thông tin, nhà thầu đã bố trí 2 trạm trộn bê tông nhựa công suất 180 tấn và 300 tấn, cung cấp đủ nguồn thảm nhựa để thực hiện dự án đúng tiến độ. Còn Giám đốc SEPMU Đặng Hữu Vị cho biết, trên tuyến chỉ còn gói thầu J3 (cầu Phước Khánh và đoạn cầu cạn) đang được tổ chức đấu thầu tìm đơn vị thi công. Việc thiếu 700.000m3 cát đắp đường cũng đã rõ hướng giải quyết.
Tại công trường dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, việc thi công cũng diễn ra nhộn nhịp. Tuyến cao tốc có chiều dài 53,7km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 6-2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Khi đó, tuyến sẽ nối thông đường vận chuyển từ trung tâm công nghiệp Đông Nam Bộ đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay thế cho quốc lộ 51 đã quá tải, thường xuyên tắc nghẽn hiện nay.
Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải Nguyễn Văn Trình cho biết: 19,5km cao tốc qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang có tiến độ xây dựng rất tốt. Nhà thầu đã huy động 350 máy móc, thiết bị và 500 nhân sự tổ chức 15 mũi thi công "ba ca, bốn kíp" để đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2025, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến. Trong khi đó, các ban ngành, địa phương của tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực ngày, đêm để bàn giao 100% mặt bằng dự án trong tháng 6-2024; phấn đấu hoàn thành xây dựng 34,2km đường cao tốc qua tỉnh Đồng Nai với tốc độ nhanh nhất có thể.
Mong đợi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Người dân và chính quyền các địa phương vùng Đông Nam Bộ cũng đang rất trông chờ vào dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) dài hơn 200km nối với Nam Tây Nguyên, thay thế cho quốc lộ 20 hiện đã quá chật hẹp, ùn tắc, đi lại khó khăn. Khi hoàn thành, thời gian đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chỉ mất 3 giờ, thay vì 6 giờ như hiện nay.
Theo chủ trương của Chính phủ, dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được chia thành 3 đoạn dự án, gồm Dầu Giây - Tân Phú (đoạn 1); Tân Phú - Bảo Lộc (đoạn 2) và Bảo Lộc - Liên Khương (đoạn 3). Trong đó, đoạn 1 dài hơn 60km qua địa phận tỉnh Đồng Nai sẽ do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. Đoạn 2 và 3 được Chính phủ chủ trương thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, đoạn 2 có chiều dài khoảng 66km, tổng mức đầu tư khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng (Nhà nước góp 6,5 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư). Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Lê Quỳnh Mai cho biết, doanh nghiệp đã tài trợ kinh phí nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền xem xét. Doanh nghiệp cũng cam kết bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu để đấu thầu thực hiện dự án.
Đoạn 3 dài khoảng 74km, có tổng mức đầu tư hơn 19,5 nghìn tỷ đồng (vốn Nhà nước hơn 7,7 nghìn tỷ đồng, vốn nhà đầu tư và vốn huy động 11,7 nghìn tỷ đồng). Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang.
Theo ông Dương Chính Nghĩa, chủ doanh nghiệp vận tải Chính Nghĩa (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), nếu có đường cao tốc từ Dầu Giây đến Liên Khương, người và hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn nhiều. Hiện quốc lộ 20 quá nhỏ, xe không thể đi nhanh bởi phải qua nhiều khu dân cư, rất nguy hiểm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã yêu cầu huyện Tân Phú tập trung năng lực bảo đảm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư để sớm triển khai các đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Còn Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: “Đây là dự án giao thông lớn nhất qua tỉnh, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế về nhiều mặt cho không chỉ Lâm Đồng mà của cả vùng. Chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực với quyết tâm cao nhất, tăng tốc vì cao tốc”.