HĐND quận, huyện, thị xã tăng giám sát vấn đề cử tri quan tâm
Lan tỏa tinh thần đổi mới hoạt động từ HĐND thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND các quận, huyện, thị xã đã đẩy mạnh hoạt động giám sát, khảo sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả.
Trong đó, HĐND các quận, huyện, thị xã chú trọng lựa chọn các vấn đề cử tri quan tâm để tiến hành khảo sát, giám sát nhằm giải quyết triệt để vấn đề dân sinh bức xúc.
Lựa chọn vấn đề “nóng”
Theo tổng hợp từ HĐND thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND cấp huyện đã tổ chức 128 cuộc giám sát. Trong đó một số đơn vị có số lượng cuộc giám sát, khảo sát lớn, nội dung tập trung vào các vấn đề dân sinh bức xúc tại địa phương, vấn đề được cử tri, nhân dân và dư luận quan tâm.
Đơn cử như, HĐND quận Thanh Xuân tổ chức giám sát chuyên đề về triển khai công tác xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn và công tác quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách quận cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác; HĐND huyện Hoài Đức giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; HĐND quận Cầu Giấy giám sát công tác quản lý, thực hiện kế hoạch sử dụng đất; HĐND quận Ba Đình giám sát chuyên đề công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; HĐND quận Hoàn Kiếm giám sát về công tác giữ gìn trật tự đô thị; HĐND quận Hoàng Mai giám sát về hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục…
Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà cho biết, phương thức giám sát tiếp tục được đổi mới theo hướng đi sâu vào những nội dung cụ thể, đi sát đến tận cơ sở. Các báo cáo, kết luận giám sát được gửi đến cấp ủy, thông báo đến UBND cùng cấp và các cơ quan liên quan, cũng như công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của địa phương để nhân dân biết và cùng tham gia giám sát...
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho rằng, việc lựa chọn vấn đề giám sát trúng, sát thực tiễn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân quan tâm là rất quan trọng; song quá trình giám sát cũng cần giữ tinh thần hợp tác xây dựng. Khi phát hiện những vấn đề còn thiếu sót, bất hợp lý thì cùng trao đổi, thảo luận để tìm giải pháp tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của luật cũng như phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương. Kinh nghiệm này đã được HĐND thị xã áp dụng với hoạt động giám sát chuyên đề về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và các dự án đầu tư công chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Còn tại huyện Phúc Thọ, HĐND huyện đã thực hiện 4 cuộc giám sát về quản lý đất đai; quản lý đô thị và trật tự xây dựng; công tác quản lý giáo dục và thực hiện một số chính sách về an sinh xã hội. Phó Chủ tịch HĐND huyện Khuất Thị Thu Tuấn chia sẻ, đợt giám sát thực hiện chính sách về an sinh xã hội, HĐND huyện đến tận các hộ dân, trao đổi, nắm bắt thông tin từ các đối tượng thụ hưởng chính sách, bí thư chi bộ, trưởng thôn, sau đó mới làm việc với UBND các xã, thị trấn và huyện. Việc này giúp cho HĐND huyện nắm sát và nắm chắc tình hình, triển khai công tác giám sát đạt hiệu quả.
Chú trọng việc thực hiện kiến nghị sau giám sát
Việc giám sát đã được HĐND các quận, huyện, thị xã quan tâm, song vấn đề đặt ra là sau giám sát, những kiến nghị của đại biểu được giải quyết như thế nào mới là yếu tố thiết thực hơn cả. Công tác này, dù Thường trực HĐND thành phố đã đề cập tại các hội nghị, giao ban, song vì nhiều nguyên nhân, không phải đơn vị nào cũng triển khai, thực hiện tốt.
Theo Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Việt, địa phương nhiều việc, đa số đại biểu kiêm nhiệm, đội ngũ giúp việc ít, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình triển khai, thực hiện các kiến nghị giám sát, kết luận, chất vấn, giải trình. Bên cạnh đó, có những kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách..., khó thể giải quyết ngay, mà sẽ mất nhiều thời gian để điều chỉnh, tháo gỡ. Thời gian tới, khi triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), cấp huyện được quy định có 2 phó chủ tịch HĐND, tăng đại biểu chuyên trách lên không quá 9 người... cũng sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép tăng đại biểu chuyên trách đối với HĐND cấp quận, huyện là rất cần thiết, nhất là ở các quận không còn HĐND cấp phường. Mong rằng, thành phố sớm có hướng dẫn nội dung này, giúp cho bộ máy thực hiện nhiệm vụ của HĐND thêm hiệu quả.
Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành cho rằng, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định tối đa 9 đại biểu chuyên trách HĐND cấp huyện (tăng 3 người so với số tối đa theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương) và thành lập 3 ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể (tăng 1 ban so với hiện tại) là rất phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, mỗi ban có thể có ủy viên hoạt động chuyên trách (hiện nay chưa có quy định) sẽ tạo điều kiện để hoạt động HĐND cấp huyện ngày càng chất lượng, hiệu quả; nhất là hoạt động giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Có thể khẳng định, kết quả hoạt động giám sát của HĐND các địa phương đáng ghi nhận, song đích đến là sau cuộc giám sát, việc đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát như thế nào đòi hỏi thêm nỗ lực, trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND. Ngoài ra, việc tái giám sát phải được chú trọng hơn, có thể phát triển thành nội dung chất vấn, giải trình nếu các đối tượng chịu giám sát chậm triển khai thực hiện theo đúng thẩm quyền, đúng thời hạn quy định. Như vậy, các vấn đề dân sinh bức xúc, vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm sẽ sớm được giải quyết triệt để.