Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công

Đã qua hơn 7 tháng của năm 2022 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) mới chỉ đạt hơn 34%. Kết quả này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021-năm đất nước phải đương đầu với đại dịch Covid-19. Việc chậm đưa nguồn vốn ĐTC vào sử dụng khiến nhiều dự án đứng trước nguy cơ “đội vốn” gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.

Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm nay, cần giải pháp đột phá tháo gỡ các nút thắt, nhất là những hạn chế về giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án...

Vướng mắc "kìm chân" tốc độ giải ngân

Là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải (GTVT), trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 8/11 dự án thành phần sử dụng vốn ĐTC. Trong đó, theo kế hoạch, có 4 dự án thành phần sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, gồm các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. Chỉ còn hơn 4 tháng thi công, các dự án thành phần này đang đối mặt với áp lực giải ngân rất lớn cùng với nỗi lo về tiến độ luôn thường trực.

Đơn cử như tại dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, khởi công từ tháng 9-2020, đến nay, sản lượng đạt hơn 68% giá trị hợp đồng, chậm 1,4%. Có 4/5 gói thầu của dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đã đăng ký. Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), tiến độ dự án gần đây bị chững lại do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều ảnh hưởng đến triển khai công việc trên công trường, từ đầu năm 2022 đến nay đã có khoảng 80 ngày mưa. Bên cạnh đó, dự án đang thi công lớp móng, mặt đường, cần huy động nguồn lực tài chính rất lớn nhưng biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng đã tác động không nhỏ đến các nhà thầu.

Thi công cầu Vĩnh An thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: NAM KHÁNH 

Bộ GTVT cho biết, 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam sẽ hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình hiện đạt 65,5% giá trị hợp đồng, chậm 3,7%. Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết bất lợi, Bộ GTVT đánh giá, giá vật liệu xây dựng biến động lớn đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, chi phí và triển khai thi công của nhà thầu, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như dự án cao tốc. Nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn ĐTC. Một yếu tố khác cũng được đề cập đến là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Như với trường hợp của dự án thành phần đoạn Cam Lộ-La Sơn, hiện đã đạt hơn 93% giá trị hợp đồng với mục tiêu cơ bản hoàn thành các gói thầu trong tháng 9-2022 để đưa vào khai thác trong năm 2022, tuy nhiên đến nay vẫn còn vướng mặt bằng cục bộ tại đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Không chỉ có các dự án bộ, ngành mà tại nhiều địa phương, giải ngân vốn ĐTC cũng chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Báo cáo của tỉnh Hà Nam cho biết, đến giữa tháng 7-2022, tổng số vốn ĐTC đã giải ngân của tỉnh là hơn 1.332 tỷ đồng, đạt 31,8% kế hoạch giao đầu năm và bằng 25,4% kế hoạch bổ sung. Một số dự án từ nguồn ngân sách Trung ương phải thực hiện chủ trương đầu tư do hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, vì vậy thời gian thực hiện kéo dài. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đất đai; vướng mắc về tài nguyên môi trường, quy hoạch dự án đầu tư, khu tái định cư, đấu nối các tuyến đường giao thông...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC từ đầu năm đến ngày 31-7-2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%. Đánh giá nguyên nhân chậm giải ngân, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, có khoảng 21 tồn tại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính. Trước tiên, về thể chế-chính sách, khó khăn chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu... Tiếp theo là công tác tổ chức triển khai thực hiện, lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, khảo sát, thiết kế chưa tốt. Các cấp, ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc. Năm 2022, các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên cần thời gian hoàn tất thủ tục.

 Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: NAM KHÁNH

Gắn trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công

Sốt ruột với tiến độ của tuyến cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đã tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh thi công, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, bãi đổ thải... Bộ GTVT cũng nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ; trường hợp không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xem xét thay thế người đứng đầu. Đáng chú ý, đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu (3-5 năm) đối với dự án do Bộ GTVT quản lý.

Về phía địa phương, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ĐTC. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư những dự án trọng điểm, chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Giữa tháng 8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao 6 tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn ĐTC năm 2022 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. 6 tổ công tác này sẽ đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC tại 41 bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến hết tháng 7-2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).

Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ KH&ĐT kiến nghị một số giải pháp trọng tâm. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan đến thực hiện dự án ĐTC theo hình thức một luật sửa nhiều luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu những vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai. Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cùng với đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án ĐTC. Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý ĐTC. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

MẠNH HƯNG - VŨ DUNG

Lượt xem: 32
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...