Giải pháp phát huy tốt công năng của hầm đi bộ ở Hà Nội

Theo các chuyên gia, để "hồi sinh" hầm đi bộ cần có sự thay đổi về kết cấu để việc sử dụng thuận tiện nhất cho người dân.

Giải pháp phát huy tốt công năng của hầm đi bộ ở Hà Nội

Hầm đi bộ dọc tuyến đường Phạm Hùng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hà Nội hiện có 23 hầm đi bộ tại vị trí giao cắt giao thông trọng điểm của các tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Trường Xa, Nghiêm Xuân Yêm,...

Trong đó, Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt, góp phần giải tỏa xung đột giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Có thể thấy, hầm đi bộ đều được xây dựng ở những khu vực đông đúc dân cư, mật độ phương tiện giao thông lưu thông lớn, song lượng người đi bộ dưới hầm rất thưa thớt, chỉ lác đác vài người tập thể dục.

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở vắng vẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở vắng vẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Những năm gần đây, các đơn vị quản lí đã tích cực thay đổi diện mạo của hầm đi bộ, khi trang bị nhiều biển chỉ dẫn đặt song song hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống, cùng với đó là hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24.

Việc này đã phần nào thay đổi hình thức, giúp hầm đi bộ trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân. Tuy nhiên, để hầm đi bộ thực sự trở nên hữu ích, thu hút được người dân thì có lẽ, đơn vị quản lí cần thay đổi nhiều hơn thế.

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở vắng vẻ, không một bóng người. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở vắng vẻ, không một bóng người. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trao đổi với Lao Động ngày 11.7, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, chủ trương xây dựng hầm đường bộ xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên hiện nay, người dân vẫn giữ tâm lý ngại đi, tiết kiệm thời gian khiến hầm đi bộ không phát huy được hết công năng.

Phân tích nguyên nhân, ông Liên cho rằng, dù được tính toán, nghiên cứu kỹ, song tiện ích của hầm đi bộ vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân.

Khi việc thiết kế hầm chưa tối ưu, độ dốc của các bậc cầu thang chưa thực sự phù hợp với người già, trẻ nhỏ, nhiều ngã ba, ngã tư dưới hầm dễ khiến người dân khó khăn trong di chuyển.

Đối với vị trí hầm cần thiết kế lối lên xuống gần với đường bộ, tránh trường hợp người dân phải đi lòng vòng mới có để di chuyển xuống hầm.

Đồng thời, vị chuyên gia đề xuất cần tích hợp nhiều tiện ích cho hầm đi bộ như: đặt điểm chờ xe buýt gần lối lên xuống hầm, có vạch kẻ đường cho người đi bộ, đèn tín hiệu để đảm bảo an toàn, hệ thống thông tin liên lạc.

Theo ông Liên, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền, động viên người dân sử dụng hầm đi bộ để tránh lãng phí hàng tỉ đồng xây dựng hầm đi bộ của Nhà nước.

"Hiện nay, hầm đi bộ đã khang trang, sạch sẽ trở nên thân thiện trong mắt người dân. Dù vậy theo tôi nên có người quản lý hầm đi bộ để đảm bảo an toàn cho người dân vào thời điểm hầm vắng vẻ", ông Liên nói.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần quản lý hầm đi bộ một cách thường xuyên, chặt chẽ, tránh trường hợp để một số cá nhân, tổ chức biến hầm đi bộ thành nơi buôn bán, tụ tập.

Hầm đi bộ dọc tuyến đường Phạm Hùng vắng vẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hầm đi bộ dọc tuyến đường Phạm Hùng vắng vẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Còn TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, để hầm đi bộ không bị "lãng quên" thì cần tạo thói quen cho người dân sử dụng hầm.

Theo ông Tạo, những nơi được xây dựng hầm đi bộ đa phần là tuyến đường có mặt cắt lớn, mật độ phương tiện giao thông đông đúc nên việc người dân băng qua đường thay vì sử dụng hầm đi bộ là rất nguy hiểm.

Đối với những khu vực có hầm đi bộ, cơ quan chức năng cần kết hợp tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện cho người dân sử dụng hầm đi bộ. Tuy nhiên, nếu người dân vẫn không sử dụng hầm thì cần tạo ngăn cách hạn chế, không cho người đi bộ băng qua đường.

Lượt xem: 12
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết