Duy trì tốt quan hệ công - tư mới có thể phát triển công nghiệp điện ảnh bền vững

Cùng với "cơn sốt" phim "Đào, phở và piano", những ngày này, câu chuyện phim lịch sử, phim Nhà nước đặt hàng trở thành tâm điểm được dư luận chú ý.

Nhiều vấn đề tiếp tục được đặt ra, như hợp tác công-tư trong điện ảnh, việc quảng bá, phát hành tác phẩm do Nhà nước đầu tư sản xuất... Tiến sĩ (TS) Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Có thể thấy, cho tới thời điểm này, phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” vẫn luôn là một trong những dẫn chứng điển hình cho thành công của hợp tác công-tư trong điện ảnh. Phim ra rạp và đem lại doanh thu đầy ấn tượng vào thời điểm bấy giờ?

TS Ngô Phương Lan. 

TS Ngô Phương Lan: Tại thời điểm ra đời năm 2015, phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” đã tạo ra một hướng đi mới và có thể gọi đó là đột phá. Nếu không có phần hợp tác của Nhà nước thì khá khó khăn vì đó là phim về đề tài thiếu nhi với những nhân vật, câu chuyện là trẻ em, bối cảnh lại là vùng quê nghèo. Ở thời điểm đó, đây là một đề tài không hấp dẫn khán giả.

Họ cần số tiền nho nhỏ của Nhà nước để cùng góp sức và đó là lý do kịch bản này được đưa đến Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong tiêu chí đặt hàng có một mục là phim thiếu nhi và chúng tôi đã tận dụng điều này để có thể chung tay với 3 đối tác làm phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Phải thừa nhận đó là kịch bản hay, có nhiều thông điệp sâu sắc, bởi thế sau khi hội đồng thông qua, chúng tôi đã cố gắng đến cùng để đưa vào phương thức đặt hàng mới.

Ban đầu, tổng dự toán tiền của Nhà nước đặt hàng chiếm 70%. Nhưng sau khi thực hiện, chỉ từng ấy kinh phí thì không đủ, vì vậy đối tác đã tăng thêm vốn góp.

Đây là tác phẩm đặt hàng của Nhà nước có tư nhân góp vốn. Thêm nữa, có thuận lợi là một trong những đối tác đồng thời là đơn vị phát hành, vì vậy họ đưa vào kế hoạch phát hành khá hoàn hảo. Doanh thu từ phim là con số hàng chục tỷ đồng, được kiểm toán độc lập và báo cáo.

PV: Thành công của “Hoa vàng trên cỏ xanh” có mở ra xu hướng làm phim mới không, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan: Thời điểm cách đây khoảng 10 năm, những người quản lý khá trăn trở bởi phim thương mại thường có bối cảnh thành thị, câu chuyện tình ái, sốc... Đó cũng là thời điểm nhiều phim hài “nhảm” ra rạp. Bởi vậy, sự xuất hiện và thành công của “Hoa vàng trên cỏ xanh” lúc đó đã mở ra một xu hướng làm phim mới trong trẻo, lãng mạn... phù hợp với khán giả trẻ. Xu hướng làm theo phim trong trẻo, lãng mạn như “Hoa vàng trên cỏ xanh” đã tồn tại trong một thời gian dài, thời gian vừa rồi có “Mắt biếc” và mới đây là việc khởi động dự án “Kính vạn hoa”.

Khi đó, có một cơ chế được chấp thuận là Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời cũng mở ra một hướng tiến gần hơn đến công nghiệp văn hóa. Vòng tròn từ sáng tác, sản xuất, phát hành, phổ biến tạo ra doanh thu và thị trường, rồi nguồn lực sẽ được tái đầu tư cho văn hóa chính là một biểu hiện của công nghiệp văn hóa.

PV: Đã có thành công, tại sao điện ảnh của chúng ta không tạo được con đường để tiếp tục thực hiện hình thức đó?

TS Ngô Phương Lan: Điều này cũng khó bởi chỉ có một số hãng phim đủ kiên trì. Khi cùng tham gia làm phim theo tiền đặt hàng của Nhà nước, các hãng cần kiên trì, cố gắng hơn nhiều. Ngoài việc phải dựng đi dựng lại nhiều lần thì thủ tục hành chính, tài chính khá dài. Để đi đến quyết toán cũng mất khá nhiều thời gian.

Thêm nữa, sau năm 2015 xuất hiện một số vấn đề thủ tục liên quan tới đấu thầu. Luật Điện ảnh năm 2006 và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, quy định sản xuất phim đặt hàng phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Thông tư liên tịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước đã được soạn thảo nhưng không thể ban hành vì không tìm được phương án khả thi, phù hợp với thực tế sản xuất phim.

Do chưa ban hành được thông tư nên Bộ Tài chính không bố trí được ngân sách đặt hàng sản xuất phim hằng năm. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017, không có một bộ phim truyện điện ảnh nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất. Cuối năm 2018, Chính phủ mới cho cơ chế tạm thời xếp lại thông tư này nên mới có tiền dành cho phim đặt hàng.

Cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”-một trong những phim Nhà nước đặt hàng đạt vị trí tốp 3 phim trong bảng sắp xếp phòng vé năm 2020. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp 

Sau “Hoa vàng trên cỏ xanh”, việc gián đoạn 3 năm gói tiền dành cho phim đặt hàng cũng không tiếp tục được với cách hợp tác công-tư trong làm phim.

PV: Phim Nhà nước đặt hàng chưa bứt phá được có phải một phần do vẫn ưu tiên các hãng phim Nhà nước?

TS Ngô Phương Lan: Trước kia cũng có sự ưu tiên các hãng phim Nhà nước bởi thời điểm đó họ có được những tác phẩm mang tính chính thống, đặc biệt là về đề tài truyền thống, cách mạng; được khẳng định bằng một số giải thưởng như phim “Mùi cỏ cháy”, “Đừng đốt”, “Những người viết huyền thoại”... Trong đó phim “Đừng đốt” được khán giả cả nước đón nhận và đem lại doanh thu khoảng hơn 1 tỷ đồng-một con số khá ấn tượng lúc đó. Gần đây, “Truyền thuyết về Quán Tiên” ra rạp năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng cũng đã đạt được vị trí tốp 3 phim trong bảng sắp xếp phòng vé theo trang Boxoffice Việt Nam.

Như vậy có thể nói, nhiều phim do Nhà nước đặt hàng đã ra rạp và tạo được điểm nhấn. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận là cũng có những tác phẩm không đạt được chất lượng như mong muốn bởi nhiều yếu tố như đoàn làm phim, “số phận” bộ phim... Yêu cầu tất cả các phim đều thành công là bất khả thi, dù đó là phim tư nhân hay Nhà nước, phim của Việt Nam hay Hollywood của Mỹ, hoặc phim của bất cứ nước nào. Trong hàng trăm phim thì chỉ một vài phim thành công.

PV: Một trong những kinh nghiệm từ thành công của “Hoa vàng trên cỏ xanh” hay một số phim được đầu tư từ ngân sách nhà nước như “Cuộc đời của Yến”, “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”... là phải có kế hoạch phát hành, phải phối hợp với nhà phát hành, không chỉ nên ngồi chờ “vận may” đến?

TS Ngô Phương Lan: Hiện tượng “Đào, phở và piano” lan tỏa trong thời gian qua thực sự là tín hiệu mừng. Song sẽ tốt hơn nếu có thể tận dụng được điểm nhấn này để lan tỏa, tạo nên “trend” (xu hướng) cho người xem và dài hơi hơn là tạo được sự thay đổi trong xu hướng làm phim của nhà sản xuất như “Hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được.

Muốn có công nghiệp văn hóa và đặc biệt là công nghiệp điện ảnh, buộc phải duy trì tốt cơ chế hợp tác công-tư thì mới có thể bền vững; nhất là với các tác phẩm cần có đầu tư lớn như phim điện ảnh. Kinh phí đầu tư cho các vở kịch không nhiều so với phim (chỉ khoảng 1/10). Khi phim được doanh nghiệp góp vốn cùng sản xuất thì trách nhiệm của họ với phim cao hơn nhiều và mục tiêu là phải đưa tác phẩm đến với khán giả để có doanh thu.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu làm phim mà không cần lợi nhuận thì đưa lên truyền hình để khán giả có thể xem rộng rãi, bà nghĩ sao về vấn đề này?

TS Ngô Phương Lan: Như vậy cũng là lãng phí, bởi phim điện ảnh đưa ra rạp đầu tư tốn kém gấp nhiều lần phim truyền hình. Nếu muốn chiếu phim trên truyền hình thì nên đầu tư làm phim truyền hình thay vì đầu tư lớn cho phim chiếu rạp.

Theo tôi, vẫn rất cần những tác phẩm điện ảnh lớn để lại cho các thế hệ sau. Thực tế là đến tận bây giờ mọi người vẫn luôn nhắc tới những tác phẩm điện ảnh để đời như: “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... Phải có những tác phẩm khắc tên Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới. Phim truyền hình thì có sân chơi khác.

Ngay cả với những phim 100% vốn của Nhà nước thì cũng cần có phương án phát hành, quảng bá. Thực tế, có nhiều hãng phim tư nhân chỉ chuyên sản xuất và họ cũng phải hợp tác với các đơn vị phát hành chuyên nghiệp khác. Nghề quảng bá, tiếp thị, phát hành rất khác với sản xuất phim. Bởi vậy, với những phim đặt hàng cũng cần dành một phần kinh phí cho việc hợp tác này hoặc huy động các nguồn vốn khác dành cho việc này. Để làm được thì cần phải có tư duy ngay từ đầu, có hướng phát hành, tìm thị trường từ đầu. Điều này phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HÀ THU (thực hiện)

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...