Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp để nông sản chiếm lĩnh thị trường nội địa

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp khó trong xuất khẩu. Trước thực tế trên, thay vì "đem chuông đi đánh xứ người", nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp “trở lại sân nhà”.

Việc khai thác tối đa thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân đã mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để thị trường nội địa không chỉ là giải pháp thay thế mà trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả đang là vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp và cả ngành chức năng hiện nay.

Xuất khẩu gặp khó

Sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản những năm gần đây liên tục tạo nên những kỷ lục mới, đặc biệt là năm 2021. Tuy nhiên, những con số xuất khẩu đó chưa đồng nghĩa với việc phát triển thị trường bền vững, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL vẫn loay hoay với câu hỏi: Khi nào hết “phập phồng” đầu ra?

Ngay từ đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL phải đối mặt với cảnh rớt giá thảm hại bởi không thể xuất khẩu. Đi trên tuyến đường từ Bến Tre về Tiền Giang, Vĩnh Long xuất hiện những điểm bán trái cây giá rất rẻ. Đơn cử, mít Thái, thanh long, dưa hấu... đều có giá khoảng 5.000-8.000 đồng/kg.

Theo nhiều nhà vườn tại “thủ phủ” thanh long tỉnh Long An và Tiền Giang cho biết, hằng năm, người trồng thanh long trông chờ vào vụ Tết-thời điểm trái vụ, để bán được giá cao. Thế nhưng, từ khi có thông tin Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các kho thu mua đã đóng cửa hoặc chỉ còn thu mua số lượng khiêm tốn, với mức giá giảm chỉ còn 1/3 so với trước đây.

Trong khi đó, tại Bến Tre, giá bưởi da xanh 40.000-50.000 đồng/kg giảm còn 10.000-12.000 đồng/kg bởi một lượng lớn tồn đọng do không xuất khẩu được. Bà Huỳnh Thị Út ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bày tỏ: “Mọi năm, thời điểm này thương lái đã đến tận vườn thu mua, nhiều lúc không đủ bán. Nhưng năm nay thương lái chẳng buồn mua, giá cả thì rẻ bèo. Vụ này cầm chắc thua lỗ”.

Cần đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart, TP Cần Thơ.

Theo dự báo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong quý I-2022, ĐBSCL tiếp tục có nhiều cây ăn trái bước vào thu hoạch với sản lượng ước hơn 1,6 triệu tấn. Các loại trái cây có sản lượng lớn gồm: Thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa... Hầu hết các loại trái cây này chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên vì Trung Quốc đang thực thi chính sách “Zero Covid” nên trái thanh long sẽ ngưng nhập cho đến 24 tháng Chạp, còn các loại trái cây khác sẽ ngưng nhập 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: “Không phải là chỉ đến khi có dịch bệnh và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, mà hàng nông sản của Việt Nam năm nào cũng gặp lắm phen lao đao với thị trường lớn này. Để thoát khỏi tình trạng này, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa, tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó thị trường nội địa vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cần được khai thác”.

Doanh nghiệp chuyển hướng “sân nhà”

Từ nhiều năm nay, mỗi khi doanh nghiệp gặp khó về xuất khẩu, việc quay về với thị trường trong nước luôn là hướng đi hiệu quả, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Trở thành một hiện tượng khi quay về thị trường nội địa chỉ trong thời gian rất ngắn đã thành công là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish).

Công ty đã nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm độc quyền, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước như: Bánh phồng basa, khô basa ăn liền... Các sản phẩm của Agifish đến nay đã có mặt tại các siêu thị từ Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Tương tự, với gần 10 năm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và trái cây sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Canada... song Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group) quyết định “về đá sân nhà”. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho rằng, các sản phẩm trái cây nhiệt đới như xoài, sầu riêng, nhãn... có nguồn cung tốt, bảo đảm được đúng chuẩn xuất khẩu thì tại sao lại nhường quá nhiều sân cho hàng ngoại?

“Quay về thị trường nội địa, doanh nghiệp có lợi thế hiểu thị trường, hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt hơn nên có nhiều cơ hội để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Hơn nữa, 85% người Việt vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống, trong khi các nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu là phát triển kênh phân phối hiện đại.

Đây là cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. Chúng tôi xuất khẩu hàng đi Mỹ, Australia như thế nào thì sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa như vậy, hoàn toàn không có sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã, bao bì với giá cả rất cạnh tranh để nhiều người có thể mua được”, ông Tùng nói.

Để khai thác hiệu quả thị trường nội địa

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng mua hàng của người Việt khi có đến 76% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng trong nước, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. 

Tại các hệ thống phân phối, sự hiện diện của hàng hóa trong nước ngày càng nhiều với mức tiêu thụ tăng lên. Theo Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm 90% tại các siêu thị lớn như: Co.opmart, VinMart, GO...

Dù được xem là “mảnh đất màu mỡ” và là giải pháp cho doanh nghiệp, nhất là ở thời điểm dịch Covid-19, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, thị trường nội địa vẫn có nhiều nút thắt cần sớm tháo gỡ, như: Sản xuất chưa có sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống phân phối; hạ tầng hệ thống phân phối và các chi phí trong thương mại bán lẻ còn yếu; giao dịch hàng hóa còn ít được công khai, minh bạch và thiếu thông tin bởi chưa có một hệ thống chợ đầu mối vùng, chưa có những sàn giao dịch hàng hóa nằm trong các chợ đầu mối hoặc hoạt động độc lập; việc mua bán không có hóa đơn chứng từ, thanh toán bằng tiền mặt khá phổ biến.

Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên ở TP Cần Thơ: “Nhu cầu trái cây phục vụ tiêu thụ ở thị trường nội địa rất lớn. Song, để sản phẩm có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, nông dân cần liên kết phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình đồng nhất để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và có chi phí thấp. Đồng thời, nông dân cần gắn kết với các doanh nghiệp thông qua các hợp đồng liên kết tiêu thụ với mức giá bán trái cây phù hợp để cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi”.

Bên cạnh đó, để kích cầu thị trường nội địa, theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp trong nước cần khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Cùng với đó, cần chú trọng vào khâu bao bì, nhãn mác để thu hút người tiêu dùng”.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics... 

“Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa", ông Nam đề xuất.

Bài và ảnh: THÚY AN

 

Tags: qdnd
Lượt xem: 120