Đối ngoại quốc phòng - Tự hào truyền thống, vững bước tương lai: Bài 1: Đối ngoại quốc phòng “đi trước mở đường”

LTS: Cùng với sự phát triển của nền ngoại giao Việt Nam, đối ngoại quốc phòng đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đóng góp trực tiếp và quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Do yêu cầu khách quan của đất nước, từ khi được thành lập ngày 22-12-1944, ở từng góc độ nhất định, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ tiến hành một số hội nghị rất quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước. Đây là một bước đột phá, mở đường cho hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) của Quân đội.

Ngày 16-4-1946, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo đoàn đàm phán với Pháp tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Tháng 5-1950, Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Phòng Giao tế II để chuẩn bị cho việc đón đoàn cố vấn Trung Quốc. Tổng Bí thư Trường Chinh đã biểu dương Phòng Giao tế II trong 3 tháng đã hoàn thành khu đón tiếp bằng tre, nứa, lá khang trang, mọi tiện nghi khá chu đáo; cán bộ, nhân viên phục vụ lễ độ, lịch sự.

Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 5-2019. Ảnh: MINH KHÁNH 

Đến ngày 28-5-1964, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Cục Liên lạc Đối ngoại, sau này được đổi tên thành Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng để giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo công tác đối ngoại. Quyết định cũng nêu rõ: Cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tổ chức và theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ chi viện của các nước và các Đảng anh em. Mặt khác, giới thiệu kinh nghiệm và đào tạo cán bộ, cử chuyên gia sang giúp bạn, viện trợ vật chất kỹ thuật, làm công tác liên lạc đối ngoại với các nước, các Đảng anh em về quân sự, kể cả nội bộ và công khai, đồng thời quản lý công tác của chuyên gia. Tháng 5 năm đó, Thượng tá Đặng Kinh, Cục phó Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu), được bổ nhiệm làm Cục trưởng (sau này là Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam).

Trong lúc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và đưa quân viễn chinh vào miền Nam, vượt qua những hy sinh gian khổ, ĐNQP ngày càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà trực tiếp là đội ngũ chuyên gia quân sự từ Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Triều Tiên... Bên cạnh đó, chúng ta đã thường xuyên thông tin cho bạn bè quốc tế về tình hình chiến sự ở miền Nam và tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để lãnh đạo, chỉ đạo các quân khu, quân chủng nơi có chuyên gia công tác. Đồng thời, tổ chức hàng trăm đợt công tác với hàng nghìn cán bộ đi công tác nước ngoài để thông báo quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như mối quan hệ với bạn bè quốc tế.

Các đại biểu tham quan một gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: TUẤN HUY 
Biên đội  Su-30MK2 bay trình diễn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Từ đó, ta tích cực mở rộng quan hệ ĐNQP và tham gia đấu tranh pháp lý ở Hội nghị Paris. Mặc dù đế quốc Mỹ chấp nhận đến bàn đàm phán nhưng với bản chất ngoan cố, xảo quyệt, giới cầm quyền Mỹ toan biến Hội nghị Paris như một “lá bùa” hòng đánh lạc hướng dư luận trong nước và quốc tế; biến hội nghị thành “bức bình phong” che đậy cho những mưu đồ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, quyết dùng sức mạnh để tạo áp lực trên bàn hội nghị, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện do chúng đặt ra. Nắm bắt được ý đồ đen tối của giới cầm quyền Mỹ, lượng định được những thuận lợi, khó khăn về thế và lực của ta, Ban Chấp hành Trung ương xác định: Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược nhằm phát huy đà thắng lợi, thế chủ động của ta trong khi kẻ thù đang trên đà thất bại, bị động về mọi mặt và phải xuống thang.

Sau Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, đến năm 1979, đất nước ta lại rơi vào thế bị bao vây, cấm vận. Trước tình hình đó, Đảng chủ trương tìm các giải pháp để bằng mọi cách giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phá thế bao vây cấm vận. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng về mọi mặt, mà thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, công tác ĐNQP tiếp tục có những bước đi mở đường quan trọng. Điển hình là tháng 7-1991, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được cử làm phái viên của Bộ Chính trị sang Trung Quốc bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hoá quan hệ hai nước. Một sự kiện quan trọng khác đó là chuyến thăm Hoa Kỳ của Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào năm 2003, tức 8 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Tiếp Đại tướng Phạm Văn Trà, Tổng thống George W. Bush khi ấy nói rằng: “Chúng tôi đón ngài Phạm Văn Trà sang thăm và hôm nay, Hoa Kỳ đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”.

Tựu trung lại, ĐNQP đã không ít lần đóng vai trò “đi trước mở đường”, góp phần quan trọng vào việc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và sự phát triển của đất nước như ngày nay.

(Còn nữa)

Trung tướng PHẠM THANH LÂN, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...