Điêu khắc trẻ bứt phá, ghi dấu ấn đổi mới

“Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, điêu khắc không còn bó gọn ở khái niệm tượng đài hoành tráng hay đặt ở các khu di tích, quảng trường... mà chú trọng hơn đến công năng của nó trong cuộc sống thường nhật”. Đó là ý kiến của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về điêu khắc trẻ và vấn đề sử dụng tác phẩm điêu khắc hiện nay.

ĐỔI MỚI VỀ THỊ GIÁC VÀ THẨM MỸ 

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng của điêu khắc trẻ đương đại?

 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Điêu khắc đương đại đang khẳng định ngôi vị mới, điều này là nhờ các nhà điêu khắc trẻ, họ đã thay đổi, định nghĩa lại quan niệm về điêu khắc. Lâu nay, nhắc đến điêu khắc là người ta nghĩ đến tượng đài hoành tráng song không hẳn vậy. Thành công đầu tiên của sự chuyển là Dự án nghệ thuật “Art in the forest-Nghệ thuật trong rừng” (Khu nghỉ dưỡng sinh thái Flamingo Đại Lải Resort, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngay từ khi mới bắt đầu, những người thực hiện đã đưa ra tiêu chí và khởi động dự án quan trọng này bằng việc quy tụ các điêu khắc gia trẻ như: Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Đàm Đăng Lại, Trần Văn An... Trong 8 năm qua, Tập đoàn Flamingo đã thành công, họ đã có một tài sản nghệ thuật có giá trị cao để hình thành một bảo tàng điêu khắc ngoài trời. Đây được xem là đổi mới mang tính cách mạng về thị giác và thẩm mỹ ở nước ta.

“Art in the forest” thành công còn ở chỗ đã giải quyết được ngôn ngữ điêu khắc hòa điệu với kiến trúc và thiên nhiên. Các nhà điêu khắc trẻ đương đại, chủ nhân của các tác phẩm nghệ thuật tại đây, đã giải quyết được vấn đề này. Với các nhà điêu khắc thành danh, họ thường thực hiện những công trình điêu khắc hoành tráng được chính quyền các cấp đặt hàng là các tượng đài kỷ niệm. Tuy nhiên, điêu khắc đương đại, điêu khắc ngoài trời đã tạo ra những con mắt mới cho công chúng. Nhiều thập kỷ qua, gần như không ai nghĩ điêu khắc ngoài trời sẽ hòa điệu đẹp đẽ đến thế với thiên nhiên, lại không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc và những nghệ sĩ trẻ đã làm được. Các công trình đã tạo ra ấn tượng thị giác mới cho những con mắt trẻ tại các không gian công cộng, mà tượng đài trước đây chưa làm được.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn. 

PV: Cụ thể, điêu khắc đương đại, trong đó dấu ấn điêu khắc trẻ đang “phủ sóng” như thế nào tại các địa phương trên cả nước?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Với điêu khắc ngoài trời, một số địa phương như Hải Phòng đang có một lộ trình tự tin khi thực hiện, với việc kết hợp tượng danh nhân và phố điêu khắc nhỏ ngoài trời trong một khuôn viên, mang lại ấn tượng tốt. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng ước ao có con đường thơ để điêu khắc nhỏ hòa điệu. Tuy nhiên, cách thiết kế vườn tượng bên sông Hàn ở Đà Nẵng và đôi bờ sông Hương ở TP Huế như đã từng làm sẽ khiến cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông có nguy cơ bị phá vỡ. Tôi muốn nói rõ hơn, nếu là vườn tượng bên bờ sông Hương, không nên đặt quá nhiều tượng vào một nơi, mà tách thành các không gian riêng, gắn cho mỗi tượng một câu chuyện riêng sẽ hợp lý hơn. Còn tại sông Hàn, tượng đặt không có tính độc bản, tính nghệ thuật cao mà là điêu khắc sản xuất hàng loạt, người ta gọi là điêu khắc mỹ nghệ. Nói thế để thấy, tác phẩm điêu khắc cần được sử dụng đúng ý nghĩa, không nên làm hỏng không gian thiên nhiên, hỏng mỹ cảm của thế hệ trẻ.

TRUYỀN TẢI THÔNG ĐIỆP SÁNG TẠO, TĂNG TƯƠNG TÁC VỚI CÔNG CHÚNG

 PV: Đâu là điểm đáng chú ý trong các sáng tác điêu khắc trẻ hiện nay, thưa ông?

 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Càng ngày, ngôn ngữ điêu khắc đương đại của Việt Nam càng gần với thế giới hôm nay. Các nhà điêu khắc trẻ đang làm thay đổi cảm nhận về điêu khắc và họ đã làm đúng thời điểm. Tác phẩm của họ không dừng ở các tượng lớn với chất liệu bền vững như đồng, sắt, đá, gỗ... mà chuyển sang làm từ giấy dó, bột màu, đất sét... và cả những vật liệu tái chế (ống hút, túi nilon...). Trong những không gian nghệ thuật sắp đặt, sự có mặt của các tác phẩm điêu khắc ngày càng được chú trọng để tăng tính thẩm mỹ, truyền tải thông điệp và tăng tương tác với khán giả.

Thực tế cho thấy, ở nhiều không gian nghệ thuật sắp đặt, những tác phẩm điêu khắc với chất liệu đất sét, vải vụn, thậm chí là nước và ánh sáng... khiến công chúng thích thú. Tác phẩm điêu khắc ngày càng nhiều màu sắc, chất liệu mềm mại, dễ thể hiện hoặc thay đổi nhiều chủ đề mà không mất chi phí quá nhiều, tác phẩm cũng truyền cảm hứng cho công chúng và truyền tải thông điệp để nghệ sĩ bắt kịp những xu hướng thời đại. Hơn nữa, để bắt kịp xu hướng, các nhà điêu khắc trẻ đã kết nối quốc tế trong việc tổ chức các hoạt động, triển lãm, liên hoan... để tác phẩm của họ nhanh chóng được thế giới thừa nhận.

 Dự án nghệ thuật “Art in the forest - Nghệ thuật trong rừng” thu hút đông đảo công chúng tham quan. 

PV: Như ông đã phân tích, có thể hiểu rằng, chúng ta cần quan tâm đến nhà điêu khắc từ trong trường học và tác phẩm điêu khắc khi nó bắt đầu thay đổi?

 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nếu so với hội họa thì sinh viên ngành điêu khắc ít hơn. Chỉ tiêu các trường mỹ thuật mỗi năm chỉ có khoảng 3-8 sinh viên, có năm chỉ tuyển được 1 người, bởi ngành học này khó và vất vả. Nhưng ngành học này, sinh viên tốt nghiệp ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm, thậm chí nhiều người sống khỏe với nghề thông qua các tác phẩm đặt hàng.

Có thể thấy, điêu khắc phát triển từ 20 năm trở lại đây là những bước tiến dài đáng kể, đã tạo được sự kết nối chung cho các nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế, có sự kết nối vùng miền, giao lưu các tác phẩm định kỳ. Tạo hình của điêu khắc không chỉ dừng lại ở tượng thuần túy, hiện thực mà còn kết hợp thêm ánh sáng, video, sắp đặt để tôn vinh tác phẩm và tương tác với không gian, người xem nhiều hơn; điêu khắc mới tập trung vào chủ đề sáng tác và chất liệu của nghệ sĩ ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, sự phát triển không gian trưng bày triển lãm và tổ chức nghệ thuật tư nhân đã làm nên những xu hướng mới cho điêu khắc. Không còn bó hẹp trong không gian thờ cúng như đền, chùa hay công trình lịch sử... tác phẩm điêu khắc hiện nay được ứng dụng rộng trong các không gian như bảo tàng, văn phòng làm việc, khách sạn, trung tâm thương mại, công viên... Không chỉ để trang trí mà tác phẩm điêu khắc mang nhiều tầng ý nghĩa để truyền tải thông điệp và chú trọng tính tương tác với người xem.

PV: Với sự đa dạng trong chất liệu, tạo hình, công năng, giá trị, vấn đề sử dụng các tác phẩm điêu khắc trẻ phải chăng cần thay đổi?

 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Với công chúng Việt Nam, điêu khắc đương đại vẫn là một loại hình nghệ thuật xa lạ. Do ít am hiểu nghệ thuật này nên để trang trí ngôi nhà, nhiều người thường chuộng đồ thủ công mỹ nghệ hơn là điêu khắc độc bản. Với nhà sưu tập, họ chuộng hội họa hơn là điêu khắc, nhất là điêu khắc đương đại của nghệ sĩ trẻ. Cũng vì không có thị trường nên hiếm nhà điêu khắc sống được với chính đứa con tinh thần của mình. Để mưu sinh và có nguồn kinh phí sống với nghệ thuật, hầu hết các tác giả đều làm nghề tay trái hoặc những công việc mang tính công năng như làm tượng, phù điêu, đồ mỹ nghệ theo đơn đặt hàng.

Thị trường gần như không có nên so với nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác, nghệ sĩ điêu khắc ít bị thị trường chi phối. Nhờ vậy, sáng tác của họ không bị cuốn theo thị hiếu số đông mà tự do thỏa mãn cái tôi. Họ được làm nghệ thuật thuần túy, nghệ thuật vị nghệ thuật. Đến khi tác phẩm ra đời, họ không màng chuyện mua bán mà chỉ ước mong có không gian đặt để đến gần với công chúng, phát huy giá trị của tác phẩm trong đời sống. Thế nhưng, đây lại là vấn đề cho các nhà quản lý văn hóa tìm hiểu, làm sao để nghệ sĩ tự do sáng tác những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, mang dấu ấn cá nhân mà vẫn tìm được thị trường.

Tôi muốn nói thêm rằng, dù sao, thị trường không phải là mối lo ngại để nói đến khó khăn và thuận lợi trong nghệ thuật điêu khắc, cái chính vẫn là nghệ sĩ làm được gì? Sống với nghề đôi khi không nhất thiết phải nghĩ nó tạo ra tiền, đưa được tiếng nói của chủ đề tác phẩm đến công chúng là đã sống được trong sự hạnh phúc với nghề.

Theo tôi, những người sử dụng tác phẩm điêu khắc trẻ phải ý thức được điều này. Hằng năm, trong ngân sách của mỗi địa phương phải dành kinh phí để lưu giữ tài sản nghệ thuật. Nghệ sĩ trẻ đủ can đảm và tự tin để tự mình sáng tác. Nếu nhà quản lý văn hóa khó thay đổi quan niệm trong việc đầu tư, hỗ trợ để điêu khắc đương đại trẻ Việt Nam phát triển, chúng ta sẽ lại lỡ nhịp một cách không đáng có với nghệ thuật quốc tế trong thế kỷ mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lượt xem: 12
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết