Để cơ chế đặc thù tạo xung lực giúp TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững - Bài 2: Xây dựng nguồn lực, cải tiến quy trình thực hiện

Áp dụng cơ chế đặc thù mang tính vượt trội, đột phá để phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với đô thị đầu tàu.

Quán triệt Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo và đã được Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, trình Quốc hội. Cùng với quá trình xây dựng, ban hành nghị quyết, thành phố cần được chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng nguồn lực, rà soát quy trình vận hành hiệu quả cơ chế đặc thù.

Cơ chế đặc thù chỉ là điều kiện cần...

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu của các chuyên gia và tổng kết của chính quyền thành phố cùng các bộ, ngành liên quan đã chứng minh tính đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn. TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Nghị quyết 54 cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trên 4 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính-ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. 

Cơ chế đặc thù đã góp phần tạo động lực, diện mạo mới xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ảnh: AN BÌNH 

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh khẳng định: Cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 với những quy định về phân cấp, phân quyền đã giúp cho thành phố rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính, chủ động điều chỉnh quy mô đầu tư của nhiều dự án. Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND thành phố. Cơ chế đặc thù giúp thành phố chủ động, thuận lợi hơn trong triển khai các dự án đầu tư công (dự án nhóm A)...

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế đặc thù, “chiếc áo mới” đã góp phần quan trọng mang lại động lực, diện mạo mới cho TP Hồ Chí Minh trên hành trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tuy nhiên, thực tiễn vận hành thí điểm cơ chế đặc thù cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. TS, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia) cho rằng, một số nội dung được đề cập trong Nghị quyết 54, trên thực tế không thực hiện được, ví dụ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên một số hàng hóa, dịch vụ.

Hay TP Thủ Đức vẫn chưa có cơ chế đặc thù phù hợp với mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Chính vì vậy, bộ máy công quyền của TP Thủ Đức đang bị quá tải, khiến UBND TP Hồ Chí Minh phải huy động các sở, ngành hỗ trợ. Đây là những bất cập, hạn chế cần được quan tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần có những quy định mang tính vượt trội, đột phá nhằm phân cấp, phân quyền mạnh hơn, trao quyền tự chủ, tự quyết cho TP Hồ Chí Minh nhiều hơn. Trong lúc chờ đợi nghị quyết mới ban hành, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 đến hết năm 2023.

Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới, giới chuyên gia, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đã bám sát tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ; Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia... kết hợp với tổng kết thực tiễn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế, TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã đề xuất 7 nhóm nội dung với hơn 40 điểm nhằm mở rộng phân cấp, phân quyền trên các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách; quản lý đô thị-tài nguyên môi trường; quản lý khoa học-công nghệ; tổ chức bộ máy chính quyền của TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức...

Khi đề cập đến tính vượt trội của cơ chế đặc thù, TS, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam) và chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (TP Hồ Chí Minh) đồng quan điểm, cho rằng: Áp dụng cơ chế đặc thù mang tính vượt trội, đột phá sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi tối đa cho hệ thống chính trị các cấp ở TP Hồ Chí Minh, nhưng nó mới chỉ là điều kiện cần. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tâm lý coi cơ chế đặc thù là “đũa thần” dẫn đến trông chờ, thụ động. Yếu tố quyết định để cơ chế đặc thù tạo xung lực mới cho sự phát triển chính là xây dựng nguồn lực (cả nguồn lực vật chất và tinh thần) và cải tiến quy trình để vận hành trơn tru, khai thác tối đa tính vượt trội, đột phá của các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù.

Chọn đúng khâu đột phá, đồng hành với doanh nghiệp

Trên các diễn đàn kinh tế và đối thoại, TS Trần Du Lịch nhiều lần nhấn mạnh rằng, những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua không nằm ở cơ chế đặc thù mà ở nguồn lực và quy trình vận hành, thực hiện cơ chế đặc thù. Theo ông, một số nội dung được Nghị quyết 54 xác định nhưng khi áp dụng vào thực tế lại vướng quy trình. Chẳng hạn, cơ chế đặc thù cho phép HĐND thành phố được quyền thay Thủ tướng quyết định các dự án nhóm A, nhưng quy trình thực hiện vẫn như cũ, thành ra lúng túng.

Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành, Suối Tiên) là một trong những dự án trọng điểm, do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trực tiếp giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiến độ. Ảnh: THANH TOÀN

Bàn về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình thực hiện cơ chế đặc thù, TS Huỳnh Thế Du kiến nghị:

- Thành phố cần tập trung vào một vài thứ có tính chiến lược, mang tính chất tháo gỡ, khơi thông dòng chảy thay vì đưa tất cả mọi thứ vào nhưng tính khả thi và tác động không cao. Thứ nhất, thành phố cần có cơ chế và cách thức khai thác giá trị từ đất để có nguồn thu cho phát triển cơ sở hạ tầng và duy trì chúng. Cách tiếp cận nên là phát triển chứ không phải là phân phối lại. Thứ hai, có cơ chế cụ thể cho TP Thủ Đức với cách tiếp cận là nơi thử nghiệm những chính sách mới, đột phát, tạo dựng nền tảng phát triển và cạnh tranh của thành phố trong cả thế kỷ 21. Phải tập trung cho TP Thủ Đức làm bằng được những thử nghiệm này. Thứ ba, cơ chế phân chia nguồn ngân sách để thành phố có đủ nguồn lực vận hành cơ chế đặc thù, tạo xung lực phát triển...

Nguồn lực chủ yếu để kinh tế TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng là cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp lớn có tác động, ảnh hưởng mạnh đến thị trường và giải ngân đầu tư công, khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ gần như chưa tiệm cận được các nguồn lực do cơ chế đặc thù tạo ra.

Ông Lê Quang Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng giám đốc Công ty Vietekcons chia sẻ: “Chúng tôi chỉ biết đến cơ chế đặc thù qua báo chí truyền thông. Trên thực tế, chúng tôi chưa cảm nhận được sự thay đổi từ thủ tục hành chính đến cơ chế chính sách ưu tiên. Doanh nghiệp của chúng tôi chuyên về xây lắp kỹ thuật cho các công trình công nghiệp và dân dụng, hoạt động chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần nhập linh kiện kỹ thuật là chúng tôi lại phải một lần thực hiện từ đầu quy trình thí nghiệm theo yêu cầu của cơ quan chức năng, rất nhiêu khê, vất vả. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị chỉ nên thực hiện thí nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm một lần. Những lần sau, cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ vào nguồn gốc, hồ sơ sản phẩm theo đăng ký của doanh nghiệp là đủ. Vậy nhưng bao năm nay vẫn không có thay đổi gì. Trong hành trình sắp tới, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp phải được đặt ở vị trí vừa là chủ thể vừa là đối tượng của cơ chế đặc thù, được đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ chế đặc thù cần đi sâu vào cuộc sống, tạo môi trường cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi”.

Chia sẻ của ông Lê Quang Lộc cũng là nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc. Thực tế này cho thấy, cơ chế đặc thù mới chỉ phát huy tác dụng ở những phân khúc liên quan đến các dự án công. Việc vận hành cơ chế, chính sách và truyền thông chính sách còn nhiều điểm nghẽn, khiến một bộ phận lớn cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, vẫn đứng ngoài cuộc. Trong khi đây là lực lượng rất hùng hậu, đóng góp lớn cho tăng trưởng của thành phố.

Các chuyên gia kinh tế khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi cũng cho rằng, trong vận hành cơ chế đặc thù, vai trò “nhạc trưởng” của TP Hồ Chí Minh phải được thể hiện rõ nét. Chẳng hạn, những dự án của thành phố mang tính liên vùng, liên quan đến các địa phương khác thì TP Hồ Chí Minh cần được Chính phủ trao quyền quyết định, điều chỉnh vốn đầu tư thay vì phải báo cáo Chính phủ.

Có như vậy mới tạo ra nguồn lực vật chất, đổi mới, cải tiến quy trình hiệu quả để thành phố chủ động giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh. Cải tiến, đổi mới quy trình thực hiện cơ chế đặc thù theo hướng chủ động phân cấp, phân quyền mạnh chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án, công trình trọng điểm mang tính liên vùng và liên kết vùng, thu hút cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc.

Xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với phương châm "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh". Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu (trích Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị) 

(còn nữa)