Chú trọng quy hoạch giao thông đáp ứng quy mô 10 triệu dân
Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô thành phố 10 triệu dân, góp phần làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một khang trang, hiện đại.
Thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô
Hà Nội với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước đang ngày một nỗ lực vươn mình. Hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đã đưa vào sử dụng, cùng nhiều dự án giao thông đang triển khai góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một hiện đại.
Những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã liên tục chú trọng đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông. Bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi thay rõ nét về diện mạo với gam màu tươi sáng. Minh chứng dễ thấy, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Với sự xuất hiện của đường sắt đô thị, Hà Nội đã hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức |
Có thể thấy, nhiều con đường, nút giao thông đã được xây dựng rộng rãi, khang trang như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.
Ngoài ra, nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.
Đặc biệt, hiện Hà Nội đã khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đang được tích cực triển khai. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Đây là dự án quan trọng quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị...
Cần có đột phá về hạ tầng giao thông
Không chỉ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.
Thành phố cũng đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.
Được biết, thời gian tới Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025 - 2030; nghiên cứu quy hoạch vị trí sân bay thứ 2.
Đặc biệt, tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Dự án đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh |
Bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của thành phố sau khi quy hoạch được thông qua, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ đại biểu huyện Thường Tín) đề nghị chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô thành phố 10 triệu dân, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch.
Cùng với đó, thành phố cần quy hoạch đường bộ theo hướng ô bàn cờ; xử lý tốt nước thải để làm sống lại các dòng sông cổ. Về cơ chế hai bên bờ sông Hồng, đại biểu muốn làm rõ cho phép thành phố quy hoạch đến thế nào, có nên xem xét triển khai mô hình đê trong đê không.
Có thể nói rằng, nhờ giao thông phát triển, những vùng đất ven đô hoang vắng trước đây đã chuyển mình mạnh mẽ, tiêu biểu như trục cao tốc Láng - Hòa Lạc, sau khi đưa vào khai thác kéo theo hàng loạt khu nhà cao tầng đua nhau mọc lên hai bên đường.
Những thành tựu và kết quả đạt được trong phát triển hạ tầng đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Có thể nói, giao thông vận tải đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.