Chống khai thác cát trái phép, bảo vệ an toàn các tuyến sông
Thời gian gần đây, các đơn vị Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều phương tiện vận chuyển, khai thác cát trái phép trên sông, biển. Điển hình là vụ việc xảy ra lúc 2 giờ ngày 22-8 vừa qua. Trong lúc đang tuần tra tại luồng sông Soài Rạp, xã Lý Nhơn (Cần Giờ), tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa phát hiện hai phương tiện đang hành trình hướng từ biển vào TP Hồ Chí Minh có biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên hai phương tiện có khoảng 250m3 cát. Thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tổ công tác đã yêu cầu đưa hai phương tiện về nơi quy định để xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Trước đó, đêm 11-8-2023, tổ công tác của Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhà Rồng (thuộc Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh) đang tuần tra trên sông Đồng Nai đã phát hiện khoảng 30 đối tượng điều khiển 3 phương tiện ghe lặn hút cát bơm lên ghe tải. Khi bị tổ công tác phát hiện, các đối tượng điều khiển ghe lặn đã chống đối, ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ, sau đó lẩn trốn vào rạch Đồng Môn thuộc xã Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Tổ công tác đã bắt giữ một phương tiện do Lưu Minh Lương điều khiển, lập biên bản xử lý theo pháp luật...
Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng lập biên bản chủ phương tiện vận chuyển cát không rõ nguồn gốc trên sông Đồng Nai. |
Theo Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi, thường hoạt động từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Địa điểm khai thác thường là những vùng biển xa bờ từ 6 đến 10 hải lý và là địa bàn giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang... Trong quá trình khai thác, các đối tượng luôn có lực lượng quan sát, cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát liền thông báo cho nhau rút vòi bơm, xả cát xuống biển và chạy trốn qua địa bàn các tỉnh giáp ranh. Do vậy, các đơn vị Bộ đội Biên phòng thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến sông, biển trong phạm vi quản lý. Khi phát hiện đối tượng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được quán triệt, giáo dục tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tận tâm với công việc và ý thức đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm. Dù thời tiết bất lợi, ban đêm, các tổ tuần tra đều nỗ lực, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng để phát hiện và ngăn chặn đối tượng, phương tiện vi phạm.
Thực tế cho thấy, hoạt động khai thác cát, kinh doanh cát trái phép thu lợi nhuận cao mà kinh phí đầu tư ít, vì vậy, nhiều đối tượng cố tình vi phạm bất chấp hậu quả có thể gây ra đối với công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân và làm thất thoát tài nguyên. Nhiệm vụ ngăn chặn “cát tặc” đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp thiết thực. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép; tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp khảo sát vị trí xây dựng nơi tạm trữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và kiến nghị thành phố sớm triển khai xây dựng trạm kiểm soát biên phòng trên biển, trang bị các phương tiện, kỹ thuật để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra thêm hiệu quả".