Chính sách công nghiệp cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế trọng điểm

Chính sách công nghiệp quốc gia không chỉ tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển dịch cơ cấu công nghiệp

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), ngày 20/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM. Ảnh: NH
Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NH

Tại hội thảo, CIEM đã công bố báo cáo Chính sách công nghiệp quốc gia, hướng tới ba mục tiêu chính, bao gồm: Thứ nhất, phân tích cơ sở lý luận và các xu hướng chính sách công nghiệp quốc gia trên thế giới; Thứ hai, đánh giá mức độ thích ứng với các xu hướng mới của chính sách công nghiệp tại Việt Nam; Thứ ba, đề xuất tầm nhìn mới và các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghiệp quốc gia bền vững và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như: Công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số sẽ tạo nền tảng đột phá cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh, gắn với động lực cho doanh nghiệp khai thác giá trị từ các mô hình mới như: Kinh tế tuần hoàn, ứng dụng đổi mới sáng tạo trong công nghiệp cũng là một hướng đi quan trọng để chuyển đổi khu vực công nghiệp theo hướng “xanh hóa”, “hiện đại hóa”.

Theo đó, báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các xu hướng phát triển mới, từ các Hiệp định Thương mại tự do và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.

Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích các định hướng, yêu cầu chính sách công nghiệp nhằm tháo gỡ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động. Các khuyến nghị tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo đó, báo cáo kiến nghị tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu. Những đóng góp này khẳng định giá trị ứng dụng thực tiễn cao của báo cáo trong việc định hình chiến lược công nghiệp quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp hiện đại và bền vững.

Chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: ST
Chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: ST

Chính sách công nghiệp cần có sự thích ứng trong bối cảnh mới

Đánh giá về những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước những thập niên vừa qua, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việt Nam đã có tên trên bản đồ quốc tế của chuỗi sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp, trong đó có điện tử, dệt may, da giày...

Tư duy chính sách đối với phát triển công nghiệp đã liên tục được hoàn thiện, thể hiện trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hay Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Trình bày công bố kết quả nghiên cứu Chính sách công nghiệp quốc gia, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cũng cho biết: Khung pháp lý về chính sách công nghiệp tại Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Các chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ cao có nhiều tín hiệu tích cực, số lượng doanh nghiệp tham gia và cung ứng tăng mạnh, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghệ - điện tử có tổng doanh thu cao, có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ cao…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài. Theo đó, chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ giúp định hướng và tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, mà còn phải tạo dựng động lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường mức độ và hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Hồng Minh bày tỏ: Chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, xu hướng mới đòi hỏi chính sách công nghiệp của Việt Nam cũng phải có sự thích ứng. Trong đó, thích ứng với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết.

 
Lượt xem: 9
Tác giả: Nguyễn Hòa
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...