Chiếc mũ vỡ kính của phi công Trần Ngọc Duy sau chuyến bay cuối cùng
Sau tai nạn máy bay Su-22 khiến phi công Trần Ngọc Duy hy sinh, đồng đội của anh tìm lại được chiếc mũ bay đã vỡ kính tại hiện trường.
Ngày 1/2, trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái, tác giả tập sách Lính Bay nổi tiếng, chia sẻ trên trang cá nhân hình ảnh di vật còn lại sau vụ tai nạn máy bay Su-22 của phi công Trần Ngọc Duy.
Chiếc mũ bay của anh Duy được tìm thấy tại hiện trường vụ tai nạn. Kính mũ đã vỡ, quai vẫn còn gắn kèm mặt nạ dưỡng khí. Trên đỉnh mũ có mảnh giấy dán băng keo ghi tên chủ nhân.
Chiếc mũ bay của phi công Trần Ngọc Duy được tìm thấy tại hiện trường vụ tai nạn. Kính mũ đã vỡ, quai mũ vẫn còn gắn kèm mặt nạ dưỡng khí và bộ đàm. Ảnh: NVCC.
Trung tướng Phạm Phú Thái chia sẻ nỗi mất mát của lực lượng không quân Việt Nam khi một người lính bay trẻ tuổi hy sinh. Ông trân trọng gọi người phi công kém mình 43 tuổi là "đồng đội", đồng thời có mặt tại Yên Bái để dự tang lễ của anh.
Chia sẻ về sự hy sinh của phi công Trần Ngọc Duy, trung tướng Phạm Phú Thái viết: "Sự hy sinh trong hoạt động bay của không quân trong thời bình cũng giống như hy sinh mất mát trong chiến tranh, nên chiến tranh không bao giờ kết thúc trong lực lượng không quân".
Tại tang lễ phi công Trần Ngọc Duy, trung tướng, cựu phi công vũ trụ Phạm Tuân cũng có mặt để thắp nén hương cho người đồng đội trẻ.
Trung tướng Phạm Phú Thái và cựu phi công vũ trụ Phạm Tuân thắp nhang tưởng niệm phi công Trần Ngọc Duy. Ảnh: NVCC.
Lúc 12h09 ngày 31/1, máy bay Su-22 số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, do phi công Trần Ngọc Duy điều khiển đã cất cánh chuyến bay thứ nhất, bài bay huấn luyện số 206.
Đến 12h27, trong lúc hạ cánh, máy bay đã gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng cố cứu máy bay. Tuy nhiên, sau đó, máy bay bị rơi, phi công đã hy sinh.
Thiếu tá Trần Ngọc Duy 31 tuổi, nhập ngũ tháng 9/2010, quê quán huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; trú tại phường Nam Cường, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.