Cần làm rõ chính sách nhà ở xã hội có đến đúng đối tượng
Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội 4 chuyên đề để từ đó chọn ra 2 chuyên đề giám sát tối cao. Trong đó, chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật đối với quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Quốc hội đề xuất cần định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa), chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lãi suất tín dụng ưu đãi và các cơ chế khác để hỗ trợ thực hiện nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Hoàn nhìn nhận, trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách này còn gặp nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra. Thực tế còn xảy ra tình trạng có nơi nhà ở xã hội không nhiều người quan tâm, trong khi ở địa phương khác số người có nhu cầu lại quá đông so với nguồn cung. Cách xác định đối tượng là người mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau.
Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị đưa chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật đối với quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội vào nội dung giám sát tối cao của Quốc hội. Phạm vi giám sát cần phải toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở. Nội dung giám sát cần tập trung làm rõ và trả lời được các vấn đề như: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội; tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội; loại hình nhà ở này được trợ cấp và hỗ trợ như thế nào, thực trạng quản lý, sử dụng ra sao; mục tiêu, ý nghĩa chính sách của nhà ở xã hội thông qua kết quả đạt được...
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến môi trường, cơ sở vật chất của các khu nhà ở xã hội, vấn đề về bảo đảm an toàn trật tự xã hội, trình độ, ý thức, lối sống của người dân, các tiện ích công cộng như chợ, sân chơi, địa điểm văn hóa và cả vấn đề về kết nối giao thông, khả năng tiếp cận, di chuyển...
Hiện nay, đang tồn tại thực tế là những dự án nhà ở xã hội ở xa trung tâm, ít tiện ích, khả năng kết nối hạn chế thì rất ít người nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua. Ngược lại, có những dự án nhà ở xã hội chưa mở bán đã có hàng nghìn người chầu chực đăng ký do nằm ở khu vực trung tâm, mật độ dân cư đông, giá bán rẻ hơn đáng kể so với nhà ở thương mại cùng vị trí nhờ được hỗ trợ của Nhà nước. Bảo đảm chính sách nhà ở xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng cũng chính là bảo đảm công bằng xã hội và góp phần giúp thị trường bất động sản có cơ cấu hợp lý, cân bằng cung-cầu.
Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng giúp nhận diện, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khơi thông nguồn lực. Từ đó, giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và sản phẩm bất động sản giá hợp lý, hướng đến đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cộng đồng.