Cần cả xã hội vào cuộc quản lý thông tin trên không gian mạng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp nào triệt để, căn cơ ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây hực sự là công việc khó khăn và giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn xã hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Cần cả xã hội vào cuộc quản lý thông tin trên không gian mạng
Quang cảnh phiên chất vấn

Ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đặt vấn đề về hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Theo đại biểu, dù có nhiều cố gắng song việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang ông xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân. Bộ trưởng có giải pháp gì?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tin giả trên mạng lan rất nhanh và nếu xử lý chậm thì nó sẽ lan truyền rất rộng.

Vừa qua, các cơ quan đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc từ 48h xuống 24h, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3h.

Theo Bộ trưởng, hiện nay mức phạt đưa thông tin giả tại Việt Nam dù đã tăng lên 3 lần nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN thì chỉ bằng 1/10. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang với mức trung bình trong khu vực.

Cần cả xã hội vào cuộc quản lý thông tin trên không gian mạng
Đại biểu Lê Thị Song An nêu câu hỏi chất vấn

Tiếp tục trả lời đại biểu Lê Thị Song An về làm rõ thực trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cờ bạc qua mạng xu hướng gia tăng, phức tạp, tinh vi, nguyên nhân và giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho rằng đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà có ở hầu hết quốc gia. Các đối tượng sử dụng rất nhiều phương tiện trong đó có điện thoại và các trang web.

Thời gian qua, Bộ đã hoàn thiện văn bản thể chế, định nghĩa rõ các hành vi, quy định quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển Công an xử lý hình sự.

Để xử lý một cách căn bản, Bộ đã công khai các đầu số điện thoại, trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vi phạm; Phát triển công cụ, công nghệ quản lý không gian mạng. Năm 2020, Bộ đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn sẽ có 3,1 triệu người truy cập và xác xuất lừa đảo là rất lớn.

Đối với sim rác, Bộ đang tập trung xử lý vì đây là công cụ phục vụ lừa đảo. Tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, cả nước còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ, và đến năm 2022, chúng ta đã cương quyết và đến nay không còn.

Về việc kiểm soát xem thông tin đó có chính xác, Bộ đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang đối soát, Thủ tướng cũng chỉ đạo trong năm nay và muộn nhất 2023 phải đảm bảo dữ liệu phải chính xác.

Về việc một người đăng ký nhiều sim, sim không chính chủ, ông Hùng cho biết đây cũng là vấn đề cần xử lý. Xử lý xong vấn đề này ta sẽ xử lý được đáng kể tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.

Toàn xã hội vào cuộc ngăn chặn thông tin xấu, độc

Cần cả xã hội vào cuộc quản lý thông tin trên không gian mạng
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu câu hỏi chất vấn

Chất vấn Bộ trưởng Hùng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu vấn đề, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài.

Đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao lại khó khăn như vậy? Bộ trưởng có cam kết gì với đại biểu và cử tri để giải quyết triệt để tình trạng này?

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn và giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi Bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Cần cả xã hội vào cuộc quản lý thông tin trên không gian mạng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Về vấn đề báo hóa tạp chí, trang thông tin, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

Về kết nối cơ sở dữ liệu, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có 8 cơ sở dữ liệu, 5 cơ ở dữ liệu quốc gia, 3 cơ ở dữ liệu chuyên ngành hiện đang kết nối hiệu quả. Mỗi một ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối Trung ương, địa phương và Bộ ngành với nhau.

Tuy nhiên, có nhiều cơ sở dữ liệu khác đã xây dựng nhưng chưa kết nối, chia sẻ; Một số cơ sở thông tin đã xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện kết nối. Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này thúc đẩy và đảm bảo kết nối.

Lượt xem: 28
Tác giả: Tú Linh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...