Bồi đắp, làm đẹp nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Trước những tác động của đời sống xã hội và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, việc chăm lo xây dựng nhân cách, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ là nền tảng để mỗi quân nhân giữ vững bản chất cách mạng, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Nam Chung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc.

Phóng viên (PV): Đến Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi rất ấn tượng với hệ thống bảng, biển tuyên truyền về những đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Điều đó có ý nghĩa gì, thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Nam Chung: Hệ thống biển, bảng được đơn vị tập trung đầu tư xây dựng chính quy, thống nhất, tạo điểm nhấn trong xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa. Đó là một hình thức tuyên truyền có tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của bộ đội. Mỗi nội dung được trích dẫn đều chứa những thông điệp sâu sắc. Trong đó, những đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội xây đắp nên. Thông qua tuyên truyền trực quan để mỗi quân nhân luôn nêu cao ý thức trong gìn giữ và làm đẹp thêm danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Không những vậy, mỗi dòng chữ in trên bảng còn là lời nhắc nhở cán bộ, đảng viên, quần chúng trong LLVT tỉnh “tự soi, tự sửa”, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; bền bỉ tu dưỡng, rèn luyện, bồi đắp phẩm chất đạo đức, nhân cách của người quân nhân cách mạng.

Đại tá Hoàng Nam Chung. 

PV: Thưa đồng chí, để văn hóa thấm sâu vào đời sống bộ đội và hoạt động quân sự, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã quan tâm thực hiện những nội dung gì?

Đại tá Hoàng Nam Chung: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt và cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tập trung xây dựng nhân tố con người gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Từ cấp chi bộ trở lên đều lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề và triển khai thực hiện các nội dung thiết thực như: Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu; phát huy vai trò nêu gương trong học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được áp dụng, đó là: “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác”, “Mỗi tuần ghi nhớ một lời dạy của Bác”, “Đảng viên 4 tốt”. Trang fanpage “Lam Sơn” của đơn vị có gần 3.000 thành viên thường xuyên đăng tải các bài viết đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Trên cơ sở tiêu chuẩn con người mới Việt Nam, 5 đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành những tiêu chuẩn phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và tổ chức cho bộ đội đăng ký phấn đấu rèn luyện. Nhờ vậy, việc xây dựng phẩm chất, đạo đức, nhân cách của quân nhân được hình thành và phát triển toàn diện, lễ tiết, tác phong của bộ đội đã có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, giao tiếp, ứng xử có văn hóa, tạo sự cởi mở, tin cậy, thương yêu, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch. Ảnh: PHÙNG PHƯƠNG 

PV: Xây dựng văn hóa nêu gương là yêu cầu trong từng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy. Đồng chí thấy vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong LLVT tỉnh Vĩnh Phúc?

Đại tá Hoàng Nam Chung: Xây dựng văn hóa nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ chính trị trung tâm, mối quan hệ quân nhân, môi trường văn hóa trong đơn vị. Do vậy, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm: Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện; nêu gương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Trên cơ sở đó, những nội dung mà cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp cần nêu gương được xác định đó là: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; đổi mới phương pháp, tác phong công tác theo hướng khoa học, cụ thể, sát thực tiễn, hướng về cơ sở; tinh thần “tự soi, tự sửa”, tự phê bình và phê bình; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí... Tôi cho rằng, nhờ triển khai đồng bộ, không chỉ cán bộ chủ trì mà toàn thể quân nhân trong đơn vị đã nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

PV: Việc đơn vị chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân cũng là cách bồi đắp nhân cách người quân nhân cách mạng, lan tỏa hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Nam Chung: Đúng vậy, LLVT tỉnh luôn tích cực xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó, phối hợp chặt chẽ với địa phương hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Đơn vị tham gia hàng nghìn ngày công giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng... Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực hỗ trợ địa phương thực hiện Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” như phương châm mà Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã đề ra. Có thể khẳng định rằng, những việc làm của LLVT tỉnh được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận đã góp phần tô đẹp và lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lượt xem: 16
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...