Bộ trưởng KH-CN lý giải về số lượng sản phẩm khoa học nhiều nhưng ứng dụng vào đời sống ít
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành…
Là 1 trong 4 Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt vừa có báo cáo gửi đến các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Báo cáo nêu rõ, sau 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng....
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt báo cáo trước Quốc hội
Dù vậy, hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về KH&CN.
Đặc biệt, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa (không) chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của KH&CN; trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay. Điều này tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cơ chế đãi ngộ còn bất cập. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, tổng đầu tư xã hội cho KH-CN và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả đầu tư chưa cao. Đặc biệt, cơ chế tài chính chưa khuyến khích cho việc khoán đến sản phẩm cuối cùng.
"Cơ chế, chính sách đầu tư công, tài chính công chưa "cởi trói" cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, mang nặng tính kiểm tra, giám sát tài chính, dàn trải, thiếu tập trung hơn là tháo gỡ khó khăn, dựa trên đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư để khuyến khích và ưu tiên" – Bộ trưởng Bộ KH-CN nhận định, đồng thời thừa nhận số lượng sản phẩm KH&CN được ứng dụng vào sản xuất, đời sống còn khiêm tốn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kiến nghị, cần đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập. Trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá...