Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Như những giai đoạn trước đây, thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Kết quả này cũng phản ánh xu hướng phát triển ổn định của thị trường bán lẻ trong nước trong những năm gần đây”.
![]() |
Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất |
Mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm 2025. Với mức tăng trưởng 9,5% trong tháng 1, trong 11 tháng còn lại, trung bình mỗi tháng chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 12,2% để đạt mục tiêu.
Chia sẻ về những thuận lợi để đạt mục tiêu này, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn phân tích, nguyên nhân là xu hướng tăng trưởng ổn định của thị trường bán lẻ trong những năm qua, cùng với quy mô và sức mua đang dần mở rộng. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng với sự điều hành linh hoạt, chủ động, đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy tiêu dùng.
Bên cạnh đó là các chương trình kích cầu tiêu dùng và phát triển thương mại điện tử, giúp đa dạng hóa kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất có xu hướng duy trì ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho tiêu dùng và đầu tư phát triển.
Để tận dụng tối đa cơ hội thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ cũng thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng. Đơn cử, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện siêu thị WinMart cho biết, trong tháng 2, chuỗi siêu thị này liên tục triển khai các chương trình khuyến mại “Lễ hội hứng khởi - Ưu đãi tuyệt vời” với ưu đãi lên tới 50%, mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1 áp dụng cho nhiều mặt hàng.
Ngoài ra, các mặt hàng như rau sạch WinEco và thịt mát MEATDeli liên tục được giảm giá 20% dành riêng cho khách hàng hội viên, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn thực phẩm an toàn, chất lượng với chi phí hợp lý nhất.
Tuy nhiên, khó khăn đối với thị trường trong nước cũng rất nhiều. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ, đó là những rủi ro bất định trong chính sách thương mại của các nước, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa. Song song với đó là áp lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vận chuyển và nguyên liệu đầu vào có thể biến động. Người tiêu dùng cũng có yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
4 giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 12% năm 2025
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin, nhận thức rõ diễn biến của thị trường, ngay từ những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 01/11/2024, đề ra kế hoạch triển khai cụ thể nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp ngành Công Thương phối hợp thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả.
Ngoài ra, để đáp ứng diễn biến mới của thị trường, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Công điện số 9834/CĐ-BCT ngày 04/12/2024, yêu cầu các đơn vị triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm kích cầu tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước.
Đáng chú ý, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025, Bộ Công Thương xác định bốn nhóm giải pháp trọng tâm cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
![]() |
Các kênh bán lẻ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng |
Thứ nhất là kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Việc kích cầu tiêu dùng được thực hiện bằng việc tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao.
Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa các chương trình ưu đãi, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và gia tăng hiệu quả mua sắm. Phát triển các mô hình tiêu dùng kết hợp trải nghiệm, như trung tâm thương mại số, kết hợp thương mại - văn hoá - du lịch… giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử lớn triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, phát động phong trào Gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên nền tảng số.
Thứ hai, đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế bên ngoài. Phát triển hệ thống logistics thông minh, kết hợp kho bãi hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu vận chuyển, giảm chi phí phân phối. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung - cầu và giá cả hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh.
Thêm nữa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết sản xuất với hệ thống phân phối, thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Thúc đẩy việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên toàn quốc.
Thứ ba, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số bằng các giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại, đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng.
Đặc biệt, quan tâm đến việc cải tạo và nâng cấp hạ tầng thương mại truyền thống, kết hợp với các mô hình bán lẻ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ truyền thống.
Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao dịch số và nâng cao tính minh bạch trong thương mại. Thu hút đầu tư vào các mô hình bán lẻ thông minh, như cửa hàng tự động, thanh toán qua nhận diện sinh trắc học, logistics thông minh, giúp hiện đại hóa ngành bán lẻ.
Thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu, bảo đảm ổn định thị trường. Để làm được điều này, cần tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm khâu trung gian, giúp giá cả hợp lý hơn và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt. Thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa để người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm chất lượng.
Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả, đặc biệt trong các dịp cao điểm để tránh hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác điều hành giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, thị trường nội địa sẽ tiếp tục là động lực quan trọng giúp ổn định và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong năm 2025, cũng như tạo tiền đề để đất nước đạt mức tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo” – ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bộ Công Thương xác định chuyển đổi số trong bán lẻ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng là hai trụ cột quan trọng nhất giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025. Bằng cách ứng dụng công nghệ để phân tích thị trường, nâng cao hiệu quả phân phối và thúc đẩy tiêu dùng thông minh, Việt Nam không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. |