Bình Dương: Thành quả dựa trên quá trình đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung

Trong khuôn khổ Hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thành quả dựa trên quá trình đoàn kết, đồng lòng cho mục tiêu chung của tỉnh Bình Dương trong suốt 1/4 thế kỷ qua.

Bức tranh sinh động của quá trình Đảng bộ, chính quyền Bình Dương

Trong khuôn khổ Hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, TS Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một; TS Phùng Ngọc Bảo, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản phía Nam; Bà Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ đã chủ trì hội thảo chuyên đề: “Xây dựng hệt hống chính trị - Các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành”.

Đồng chí Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương phát biểu tại hội thảo

Hội thảo còn có sự tham dự của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Hành chính khu vực II, cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các Sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Báo cáo tổng thuật hội thảo chuyên đề “Xây dựng hệ thống chính trị - Các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, các báo cáo tham luận và những ý kiến trao đổi tại hội thảo cho thấy bức tranh sinh động của quá trình Đảng bộ, chính quyền tỉnh kiên định đường lối đổi mới, giữ vững bản chất giai cấp công nhân; Kiên định nguyên tắc xây dựng Đảng; Không ngừng nâng cao bản lĩnh, năng lực và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của đất nước.

Kết tinh của những tâm huyết, trăn trở, sáng tạo

Trình bày tham luận “Bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Bình Dương”, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Qua chặng đường 1/4 thế kỷ, thành quả hôm nay của tỉnh Bình Dương là kết tinh của những tâm huyết, trăn trở, sáng tạo; Là quá trình đoàn kết đồng lòng cho mục tiêu chung của hệ thống chính trị tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ.

Tỉnh ủy Bình Dương chủ trương “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; Xây dựng tỉnh Bình Dương thành trung tâm công nghiệp phát triển, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”.

Thành tựu trên chặng đường 1/4 thế kỷ: Kết tinh của tâm huyết, trăn trở, sáng tạo, là quá trình đoàn kết đồng lòng cho mục tiêu chung

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nêu 6 kinh nghiệm và 8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới. Ông nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, giữ vững những thành tựu 1/4 thế kỷ, Đảng bộ tỉnh Bình Dương cần ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, như lời chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ, thì Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Trình bày tham luận “Tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Bài học kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và định hướng trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Nhân tố con người được xác định là yếu tố cơ bản, quan trọng, có tính chất quyết định và giữ vai trò chi phối đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương. Nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công tác cán bộ, Bình Dương luôn xem việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng và đã đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, công tác cán bộ của tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế, xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, tham luận đã đúc kết 5 bài học kinh nghiệm và đề xuất 3 giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Bình Dương trong thời gian tới; Trong đó đổi mới công tác đánh giá cán bộ sẽ tạo nên sự chuyển biến căn bản, quan trọng, có tính đột phá trong công tác cán bộ.

Chính quyền Bình Dương được đánh giá rất tốt về khả năng quản trị

Tại hội thảo, TS Lê Đức Hoàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trình bày tham luận: “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy tỉnh Bình Dương phát triển trong thời kỳ mới”. Ông Hoàng cho rằng, thời gian qua Bình Dương là một trong những tỉnh triển khai rất hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tỉnh ủy nhận sức sâu sắc tầm quan trọng, vai trò của công tác này, gắn với điều kiện thực tế của tỉnh và trình độ nhận thức, đặc điểm xã hội nghề nghiệp để phân các nhóm đối tượng, trên cơ sở đó lựa chọn nội dung, có cách thức giáo dục phù hợp, hiệu quả, thiết thực.

Đó là ba nhóm đối tượng: Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ chủ chốt tại các chi, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy; Các tầng lớp Nhân dân nói chung và nhóm công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh...

Thành tựu trên chặng đường 1/4 thế kỷ: Kết tinh của tâm huyết, trăn trở, sáng tạo, là quá trình đoàn kết đồng lòng cho mục tiêu chung

Với tham luận “Khả năng quản trị địa phương của chính quyền tỉnh Bình Dương trên con đường phát triển và hội nhập”, TS Phan Duy Anh, trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, từ năm 2005 đến nay, chính quyền Bình Dương được đánh giá rất tốt về khả năng quản trị. Chỉ số PCI của Bình Dương trong quãng thời gian này luôn nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Qua phân tích các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của Bình Dương, cho thấy: Trong quá trình phát triển của một tỉnh hay một vùng, điểm bất lợi có thể trở thành lợi thế và điểm lợi thế ban đầu có thể trở thành bất lợi tùy thuộc vào tính năng động, năng lực quản trị của chính quyền địa phương. Việc phát triển có định hướng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển là một yếu tố quan trọng tạo nên năng lực quản trị của chính quyền địa phương.

Lượt xem: 151
Tác giả: Kiều Liên
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...